Sếp ngân hàng: 'Có tiền lúc này tôi không mua vàng'

08/05/2013 08:17 AM |

Theo Phó Chủ tịch LienVietPostBank, "có tiền lúc này chắc bạn sẽ không mua vàng, tôi cũng thế, nên chắc chắn tôi không được hưởng lợi gì".

Báo điện tử Infonet đã ghi nhận ý kiến một số chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ngân hàng xung quanh vấn đề này:


Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu: "Chênh lệch giá quá xa sẽ giảm sau 30/6"

Tôi nhất trí với quan điểm điều hành của NHNN, lúc này cần bình ổn thị trường vàng hơn là bình ổn giá vàng. Bình ổn thị trường vàng nghĩa là tạo ra một cơ chế cho thị trường, thiết lập một thị trường vàng minh bạch, tránh sự lộn xộn, đầu cơ tích trữ. Người dân thì được tự do mua – bán vàng và không phải đặt câu hỏi về chất lượng vàng. Khi trật tự này được thiết lập rồi sẽ tính tới chuyện bình ổn giá.

Đồng thời, thực hiện các bình ổn thị trường, NHNN sẽ đẩy một lượng vàng lớn tăng cung cho nền kinh tế, trong đó có các NHTM tất toán trạng thái huy động vàng trước 30/6.

Trước mắt vẫn là phải thiết lập lại trật tự thị trường vàng, rồi sau đó là giá vàng. Tôi hy vọng, tình trạng chênh lệch giá quá xa như hiện nay sẽ suy giảm sau 30/6, khi số vàng Ngân hàng Nhà nước bán ra bắt đầu ngấm vào thị trường. Sau khi thiết lập cơ chế cho thị trường vàng, thì bình ổn giá vàng sẽ tới trong quý 3 và 4 năm nay.

Về quan điểm "có thực là người dân được hưởng lợi khi giá chênh cao hay không?" thì phải xem thời điểm diễn ra giao dịch mua bán. 

Nếu người dân đã giữ và mua vàng thời điểm trước giá thấp, nay bán ra giá cao thì rõ ràng họ được hưởng lợi. 

Còn nếu trót mua vàng lúc giá cao, kỳ vọng bán ra giá cao hơn, nhưng hiện tại giá lại đang xuống, thì sẽ chịu rủi ro. Tôi cho đó là công bằng xã hội. NHNN với vai trò của mình tạo ra một khung chính sách để quản lý, chứ NHNN không khuyến khích giao dịch mua bán vàng vật chất trong lúc này. Tôi cũng khuyên người dân không nên mua bán vàng vật chất thời điểm này vì giá vàng biến động, rủi ro khó lường.

Tôi cũng đồng tình với chủ trương chống vàng hóa của Chính phủ. Nếu dân vẫn chuộng vàng như thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không thể bình ổn bằng cách bán ra mãi, vì tới một lúc nào đó cũng không còn ngoại tệ nhập vàng phục vụ nhu cầu trong nước.

Như dân Mỹ, không bao giờ họ mua vàng miếng, không ai giữ vàng trong nhà mà họ chỉ nắm chứng chỉ vàng, mua vàng nữ trang.

Tới cuối cùng, người dân Việt Nam không nên giữ vàng mà chỉ nên giữ chứng chỉ vàng. Loại chứng chỉ này sẽ do các NHTM phát hành, mua bán giao dịch trên tài khoản tại sàn vàng quốc gia. Như thế, vừa huy động được lượng tài sản là vàng rất lớn đang "ứ" trong dân trở thành tiền để đưa vào nền kinh tế. Tôi chắc NHNN đã tính tới giải pháp này, nhưng vẫn cần thêm thời gian chờ đợi.

TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia: NHTM tránh được "cơn địa chấn" từ cuộc đua huy động vàng

Nhìn vào thị trường vàng thời gian gần đây có thể thấy những cơn sốt vàng "chóng mặt" như cách đây vài năm đã không còn, cũng không còn cảnh có những ngày giá vàng "nhảy" lên xuống tới 20 lần...  Với những động thái "chấn chỉnh" lại thị trường vàng thời gian qua, tôi cho rằng NHNN đã lựa chọn đúng mục tiêu.

Mục tiêu ngắn hạn là bình ổn thị trường vàng và giá vàng trong nước, tiến tới thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới. Cách thức mà NHNN tiến hành là đấu thầu vàng miếng nhằm tăng cung cho thị trường, trên nền tảng đó ổn định và giảm dần chênh lệch về giá. Kế tới, mục tiêu cao hơn là tạo lòng tin trong xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Thực tế, nếu không có những động thái điều hành quyết liệt, đặc biệt là ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì chắc chắn thị trường vàng sẽ còn lộn xộn, rối ren. 

Một năm kể từ sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, hệ thống NHTM tránh được "cơn địa chấn" từ cuộc đua huy động vàng; dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng lên gấp 3 lần khi áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu vàng. Tỷ giá ngoại tệ ổn định trong suốt thời gian dài. 

Gần đây NHNN cũng cho biết sẽ giữ ổn định tỷ giá năm nay đâu đó quanh mức 2%. Đối với 1 quốc gia vay nợ nước ngoài, xuất nhập khẩu lớn như Việt Nam thì thị trường ngoại hối có tính chiến lược, quan trọng hơn vàng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chuyện vay nợ, cán cân thanh toán quốc tế....

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch HĐQT NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): "Có tiền lúc này tôi cũng không mua vàng"

Theo Phó Chủ tịch LienVietPostBank, có tiền lúc này chắc bạn sẽ không mua vàng, tôi cũng thế, nên chắc chắn tôi không được hưởng lợi gì. Nhưng với diễn biến thị trường hiện nay, cái "lợi" mà người dân được hưởng chính là không bị nghe những lời đồn thổi, rồi lại chạy xô đi mua giá cao; giao dịch mua bán vàng diễn ra thoải mái hơn, minh bạch hơn.


Cùng với đó, NHNN đang gánh trên vai sức nặng "chiến đấu" với giới đầu cơ, để tái lập lại trật tự cho thị trường vàng. Còn chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới cao thì không ảnh hưởng gì tới dân cả. Còn thực tế, qua những phiên đấu thầu vừa qua người được lợi chính là Nhà nước. 

Trước đây hoạt động nhập khẩu vàng chủ yếu do giới kinh doanh thực hiện, phần chênh lệch giữa giá nhập và bán ra trên thị trường, hầu hết đều rơi vào túi những người đầu cơ. 

Nay, NHNN nắm giữ hoàn toàn thị trường nên khoản chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới rơi vào tay NHNN, và ngân sách được hưởng. Chênh lệch càng lớn, ngân sách thu càng nhiều.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM