'Sẽ có thêm hai phó thủ tướng mới'

17/10/2013 16:44 PM |

Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê chuẩn ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh làm phó thủ tướng...

Thủ tướng có đề nghị tăng thêm một phó thủ tướng nữa, ngoài một vị thay ông Nguyễn Thiện Nhân, như vậy Chính phủ sẽ có hai phó thủ tướng mới, trong đó có ông Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của VnEconomy tại cuộc họp báo chiều 17/10. 

Phương án về phó thủ tướng thứ hai, theo ông Phúc là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Việc này do Thủ tướng báo cáo, danh sách do Thủ tướng trình để Quốc hội phê chuẩn, ông Phúc nhấn mạnh.

Trong ngày 13/11 tới, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ. Việc bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó thủ tướng được tiến hành vào sáng 14/11.

Ông Phạm Bình Minh vẫn kiêm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, còn phương án trình thay thế tân Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hiện nay chưa có, ông Phúc cho biết thêm.

Khai mạc từ ngày 21/10 và dự kiến sẽ bế mạc ngày 31/11, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận và thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tài liệu tại cuộc họp báo cho biết, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều, đã bám sát cương lĩnh năm 1991 (bổ sung phát triển năm 2011) các văn kiện của Đảng và nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu và những quan điểm cơ bản, định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Quyết định lùi bấm nút vào phút chót tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sẽ được thông qua, sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được quyết định. Dự thảo mới nhất đã tăng hai điều so với kỳ họp trước.

Cùng với việc miễn nhiệm Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn tân phó thủ tướng tại kỳ họp này.

Nội dung về kinh tế xã hội cũng chiếm nhiều thời gian của kỳ họp với các báo cáo tình hình của cả năm 2013 và hai năm còn lại của nhiệm kỳ, cùng đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Đây là kỳ họp dài nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 của Quốc hội, có đến 22 phiên họp được truyền hình trực tiếp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết.

Theo Nguyễn Lê

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM