Sẵn sàng chi cả tỷ đồng thuê Tây đẻ con

14/12/2013 11:30 AM |

Gần đây, có nhiều cặp hiếm muộn đã lựa chọn hình thức thuê người nước ngoài mang thai hộ với mong muốn con khỏe mạnh, thông minh hơn. Tuy nhiên, có nhiều hệ lụy phát sinh khó giải quyết mà họ không ngờ tới.

Gần đây, có nhiều cặp hiếm muộn đã lựa chọn hình thức thuê người nước ngoài mang thai hộ với mong muốn con khỏe mạnh, thông minh hơn. Tuy nhiên, có nhiều hệ lụy phát sinh khó giải quyết mà họ không ngờ tới.

Thuê “Tây” đẻ hộ để... có con thông minh!?

Mặc dù lấy nhau đã 5 năm, nhưng vợ chồng chị N.T.Nhâm (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa có mụn con nào. Quyết định đi thăm khám, chị Nhâm mới ngã ngửa khi được bác sỹ cho biết, chị không có tử cung, lại bị đa nang buồng trứng, vì thế không có khả năng có con. Dù khát khao có con bồng bế đến mấy, vợ chồng chị Nhâm như rơi vào tuyệt vọng. Một lần lang thang trên các diễn đàn, chị có đọc được topic nhận mang thai hộ. Lần theo địa chỉ và số điện thoại tại đây, chị Nhâm tìm được một bà dẫn mối mang thai hộ.

Sau khi tìm hiểu thông tin, chị bàn với chồng về việc nhờ người sinh con cho mình. Theo lời bà dẫn mối này, nếu thuê người trong nước mang thai hộ cũng tùy từng mức, chọn những người có trình độ đại học, cao đẳng thì một lần mang thai giá khoảng 200-500 triệu đồng, nếu chọn những người dáng cao, to khỏe thì giá khoảng 50-200 triệu đồng... Còn nếu thuê người nước ngoài mang thai hộ giá khoảng 800 triệu-1 tỷ đồng sẽ có một đứa con to khỏe, thông minh.

Bàn tính kỹ lưỡng, vợ chồng chị Nhâm quyết định chọn người nước ngoài mang thai hộ với mong muốn sẽ có một đứa con trai khỏe mạnh, thông minh. Chị Nhâm kể lại: Sau khi lấy tinh trùng của chồng để cấy vào trứng một người phụ nữ đẻ thuê, đại lý mang thai hộ bên Mỹ cho chị gặp luật sư và người đẻ thuê để thỏa thuận. Những vấn đề ràng buộc như tài chính, giới tính, ADN, giao con... được thảo luận kỹ. Đến nay người phụ nữ kia sắp đến ngày sinh nở, vợ chồng chị lại khăn gói sang Mỹ chuẩn bị đón con về nhà.

Thuê-người-nước-ngoài, mang thai hộ, hệ lụy, đẻ-thuê, tỷ-đồng, thông-minh, sinh-con

Ảnh minh họa.

Theo chị Nhâm, ngoài việc muốn có đứa con như ý, vợ chồng chị quyết định nhờ người nước ngoài mang thai hộ là do lo sợ nếu thuê người trong nước đẻ, sẽ xảy ra trường hợp sau khi sinh con họ không đành lòng giao con hoặc sau khi giao rồi lại tìm cách tiếp cận, đòi lại con.

Cũng như chị Nhâm, tâm sự trên trang web mangthaiho... một member có nick Lily kể câu chuyện về gia đình mình và việc quyết định sang Thái Lan thuê người đẻ hộ. Sau khi thỏa thuận, các bác sỹ tại Thái Lan đã lấy tinh trùng của chồng sau đó phối với trứng của chị rồi cấy vào người đẻ hộ. Niềm vui của anh chị được nhân đôi, khi các bác sỹ thông báo gia đình chị sẽ có một cặp song sinh một trai, một gái. Anh chị chấp nhận trả với giá 1 tỷ đồng cho hai đứa con này. Đến nay, hai nhóc nhà chị đã được 6 tháng, khỏe mạnh, nhanh nhẹn và giống cả bố lẫn mẹ. Theo cặp vợ chồng này, việc thuê người nước ngoài mang thai hộ có cơ hội lựa chọn được giới tính thai nhi, đồng thời sẽ giảm nguy cơ tranh chấp con cái sau khi sinh so với thuê người trong nước.

Tiền mất, con không

Không may mắn như những cặp đôi ở trên, nhiều gia đình sau khi đã đầu tư một khoản tiền khá lớn để thuê người nước ngoài mang thai hộ thì rơi vào cảnh: Tiền mất mà con cũng không được nhận.

Anh Trần Thế Huy và chị Vũ Khánh Linh kết hôn với nhau đã 6 năm nhưng vẫn chưa có con. Vợ chồng chị Linh đã khăn gói sang Ấn Độ để thực hiện thụ tinh, cấy trứng. Do quá tin tưởng vào người họ hàng kia cộng với sự thiếu hiểu biết, vợ chồng chị chỉ thỏa thuận miệng với đối tác mà không có văn bản pháp lý nào. Anh chị đã thanh toán trước 2/3 số tiền gần 800 triệu đồng và mọi chi phí trong quá trình điều trị, mang thai và sinh nở đều do vợ chồng nhà anh Huy chịu. Tuy nhiên sau khi sinh con được vài ngày, người phụ nữ này cầm nốt số tiền còn lại và ôm con đi mất. Đến nước này thì vợ chồng anh Huy mới tá hỏa vì không biết phải thưa kiện như thế nào, với ai, đành ngậm ngùi quay về nước với nỗi hận trong lòng.

Cũng có nhiều trường hợp lặn lội sang nước ngoài gửi con, sau khi làm đầy đủ các thủ tục hợp đồng, xét nghiệm, lấy trứng, tinh trùng, mọi ràng buộc đều được ký kết rõ ràng, tuy nhiên, sau 3 tháng mang thai hộ, các bác sỹ phát hiện đứa con được gửi bị dị tật. Theo đó, cái thai phải bỏ, ở trường hợp này, những người đi thuê mang thai hộ phải thanh toán cho đối tác ít nhất 1/3 số tiền đã thỏa thuận.

Trao đổi về vấn đề liên quan đến pháp lý khi thuê người nước ngoài mang thai hộ, luật sư Nguyễn Văn Nguyên - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tại Điều 5, Nghị định 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 quy định về sinh con theo phương pháp khoa học có yếu tố nước ngoài như sau: Người nước ngoài được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nếu được cơ sở y tế Việt Nam khám và xác định vô sinh, xác định tinh trùng của người chồng, noãn của người vợ bảo đảm chất lượng để thụ thai. Thứ hai, không thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi đối với người nước ngoài.

Cơ sở pháp lý lỏng lẻo

Như vậy, mọi hành vi giao dịch, thỏa thuận mang thai hộ, thuê người mang thai hộ của công dân Việt Nam với người nước ngoài đều là hành vi trái pháp luật. Ngoài ra, theo luật sư Nguyên, việc thuê người nước ngoài mang thai hộ sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó giải quyết.

“Do hành vi này bị pháp luật cấm, nên khi thực hiện giao dịch, các bên chủ yếu thỏa thuận ngầm, chui... Vì thế khi có tranh chấp xảy ra sẽ rất khó giải quyết, đồng thời quyền lợi của các bên sẽ rất thiệt thòi. Nếu các bên không tự thỏa thuận được thì phải khởi kiện vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp này, bên mang thai hộ sẽ phải hoàn lại tiền cho người thuê, còn người thuê sẽ không có quyền nhận đứa con đó là con đẻ. Đặc biệt, quyền lợi, khai sinh, xác định quốc tịch cho đứa con rất phức tạp, phải căn cứ vào các điều kiện của luật Quốc tịch 2008 về trường hợp có được công nhận đứa trẻ là quốc tịch Việt Nam hay không”, luật sư Nguyên nói.

Ông Nguyên cũng cho biết, hiện văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề mang thai hộ nói chung và mang thai hộ có yếu tố nước ngoài rất ít. Luật Hôn nhân và Gia đình, bộ Luật Dân sự cũng chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề này.

Hệ quả phức tạp có thể xảy ra

Mới đây, cuối tháng 11/2013, tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cũng đã đưa ra hàng loạt giả định về những hệ quả phức tạp có thể xảy ra với việc mang thai hộ: Nếu sự thỏa thuận giữa hai bên (bên nhờ và bên mang thai hộ) chỉ bằng miệng, sau đó người mang thai hộ không giao đứa trẻ hoặc sinh đứa trẻ bị khuyết tật, người nhờ mang thai hộ không nhận đứa trẻ, dẫn đến phát sinh tranh chấp thì giải quyết ra sao? Người mang thai hộ sinh 2-3 bé nhưng người nhờ mang thai chỉ nhận một bé thì sao?

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM