Rủi ro lớn nhất các doanh nghiệp phải chịu là chính sách

24/04/2015 10:30 AM |

Theo bà Phạm Chi Lan, rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang lo lắng là rủi ro về chính sách. Sự thay đổi về chính sách nếu như không có sự tham vấn của doanh nghiệp sẽ rất nguy hiểm.

Nội dung nổi bật:

- Theo bà Phạm Chi Lan, hội nhập kinh tế quốc tế có vai trò quan trọng quyết định đến môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

- Doanh nghiệp phải coi cạnh tranh là mục tiêu để phát triển, chứ không phải chỉ lớn lên bằng ưu đãi, bằng sự bảo hộ của nhà nước.

- Rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang lo lắng là rủi ro về chính sách. Sự thay đổi về chính sách nếu như không có sự tham vấn của doanh nghiệp sẽ rất nguy hiểm.

- Bà Lan cho rằng, một nhà nước tốt là một nhà nước kiến tạo và phát triển, một nhà nước phục vụ, chứ không phải nhà nước cai trị.


"Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Biến lời nói thành hành động" là chủ đề chính của Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 được tổ chức trong hai ngày 21 và 22/4. Bên lề Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về những kiến nghị và giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Thưa bà, chủ đề của diễn đàn kinh tế năm nay là “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động”. Đây là một chủ đề không mới, nhưng tại sao đến bây giờ chúng ta mới nhắc đến hành động?

Bà Phạm Chi Lan: Bước chuyển biến mới trong môi trường kinh doanh của Việt Nam diễn ra từ năm ngoái đến năm nay thông qua các chương trình hành động mà Chính phủ ban hành từ Nghị quyết 19.

Tại Nghị quyết, Chính phủ đã nhấn mạnh phải tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, biến nó thành hành động cụ thể. Do vậy, Quốc hội đưa ra chủ đề cho hội thảo lần này của Ủy ban kinh tế Quốc hội là “từ lời nói đến hành động”.

Đề tài đó đúng và phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Nhà nước đã đưa ra chủ trương, các luật của Quốc hội hướng nhiều đến cải thiện môi trường kinh doanh như luật doanh nghiệp mới, luật đầu tư mới và nhiều văn bản luật khác đều nhắc đến cải thiện môi trường kinh doanh. Vấn đề là phải biến luật thành hành động mới đưa được vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo bà, trong bối cảnh hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế có những tác động như thế nào đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?

Bà Phạm Chi Lan: Hội nhập kinh tế quốc tế có vai trò quan trọng quyết định đến môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Những cam kết hội nhập đang và sẽ có, như TPP, FTA với EU là những cam kết cao, nó phù hợp với phương hướng chúng ta đang mong muốn về cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh trong nước.

Bên cạnh đó, các yêu cầu như minh bạch hóa, môi trường kinh doanh bình đẳng đều nằm trong những cam kết Việt Nam đã có trong hệ thống pháp luật cũng như cam kết quốc tế.

Những cam kết nội bộ áp vào chuẩn mực của cam kết quốc tế nâng tầm của cam kết nội bộ; tạo ra những thước đo để dễ đo lường khả năng cạnh tranh. Chẳng hạn, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 đã lấy chuẩn của World Bank để đo lường.

Ngoài ra, hội nhập quốc tế còn tạo ra yêu cầu, cũng như khả năng mở cửa thị trường. Tất nhiên, mở cửa thị trường thì cạnh tranh nhiều hơn. Song chúng ta luôn coi cạnh tranh là mục tiêu để cải thiện môi trường kinh doanh; có cạnh tranh doanh nghiệp mới phát triển được, kể cả những doanh nghiệp được ưu đãi nhiều thì khi đặt trong môi trường cạnh tranh cũng tốt hơn.

Chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng để vượt lên, chứ không thể cứ lớn lên bằng ưu đãi, bằng sự bảo hộ của nhà nước.

Hội nhập quốc tế giúp mở cửa cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước. Doanh nghiệp có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn, tính toán bài toán kinh doanh xa hơn, rộng hơn, chứ không phải chỉ ở trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu biết hướng đến thị trường 600 triệu dân của ASEAN, chứ không phải thị trường 90 triệu dân của Việt Nam nữa.

Không những thế, do khả năng tiếp cận các nguồn lực trong nước còn thiếu thốn, nên cần dùng đến nguồn lực bên ngoài, đứng trên vai của những người khổng lồ. Hội nhập tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về khoa học, công nghệ, quản lý; đặc biệt là nguồn lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Môi trường đầu tư tại các nước đang phát triển đều tồn tại những rủi ro. Theo bà, rủi ro của Việt Nam là gì và nguyên nhân chính của những rủi ro này?

Bà Phạm Chi Lan: Người kinh doanh đều chấp nhận rủi ro và môi trường kinh doanh ở đâu cũng có rủi ro; chỉ có điều tính chất của rủi ro ở mỗi nơi khác nhau.

Việt Nam là một nước đang phát triển, đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường thì có thêm những rủi ro nhất định; trong khi các nước khác có hệ thống môi trường kinh doanh hoàn chỉnh hơn.

Rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang lo lắng là rủi ro về chính sách. Sự thay đổi về chính sách nếu như không có sự tham vấn của doanh nghiệp sẽ rất nguy hiểm. Đôi khi Nhà nước muốn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhưng kết quả lại gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ hai là rủi ro về thị trường thì rủi ro này ở đâu cũng có. Thị trường thế giới khi công nghệ phát triển nhanh và mạnh, sẽ làm đảo lộn nhiều trật tự kinh tế toàn cầu, kết cấu sản phẩm, giá thành sản phẩm.

Đầu năm 2014, ai có thể nghĩ được giá dầu có thể giảm mạnh đến như vậy? Giá dầu giảm tác động đến một loạt yếu tố khác. Nó làm cho giá hàng hóa giảm, nguồn thu ngân sách giảm, nhà nước lo tăng thu từ các nguồn khác. Một mặt, doanh nghiệp được hưởng chi phí thấm do giá dầu thấp, mặt khác lại chịu sức ép tăng lên từ thuế, phí… Như vậy những rủi ro về thương trường là rủi ro luôn hiện hữu.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một nước nông nghiệp nên rủi ro về thiên tai, thời tiết ảnh hưởng đến nền sản xuất lớn, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà cả công nghiệp… Điều này đỏi hỏi bản lĩnh của doanh nghiệp, cũng như nỗ lực của nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Bà có kiến nghị gì để khắc phục rủi ro của môi trường kinh doanh tại Việt Nam?

Rủi ro về chính sách là rủi ro lớn nhất, nhưng rủi ro này lại nằm trong tầm tay kiểm soát của nhà nước. Tôi cho rằng nều Quốc hội làm tốt vai trò, chính phủ làm tốt vai trò, các tổ chức làm tốt vai trò giám sát sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro chính sách.

Một nhà nước tốt là một nhà nước kiến tạo và phát triển, một nhà nước phục vụ, chứ không phải nhà nước cai trị. Trên tinh thần đó, có thể giảm thiểu rủi ro chính sách, biến rủi ro thành thuận lợi, đưa chính sách đi theo hướng thuận lợi hóa thương mại.

Xin cảm ơn bà!

>> 4 nguyên tắc định hình tính minh bạch cho doanh nghiệp

Theo Thảo Anh

Cùng chuyên mục
XEM