Rau quả Việt vào Hoa Kỳ: Đường còn gập ghềnh

16/11/2014 17:00 PM |

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi tháng xuất khẩu (XK) rau quả của Việt Nam đạt khoảng 120 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay, XK rau quả có thể mang về cho Việt Nam khoảng 1,4 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Vẫn phụ thuộc Trung Quốc

Những năm gần đây, mặt hàng rau quả của Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh và khá vững chắc với tốc độ 30%/năm. Năm 2013, kim ngạch XK mặt hàng rau quả đạt 1,07 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức kim ngạch cao nhất từ năm 2009 đến nay, cũng là lần đầu tiên XK rau quả đạt mức kim ngạch tỷ USD.

Đáng lưu ý, trong 9 tháng đầu năm 2014, 2 thị trường có sự tăng trưởng kim ngạch đột biến so với cùng kỳ năm 2013, đó là Hồng Kông (tăng 170,40%; đạt 11,04 triệu USD) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (tăng 129,71% với 9,12 triệu USD). Hầu hết các thị trường còn lại đều có sự tăng trưởng dương. Điều này cho thấy mặt hàng rau quả Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh XK sang các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, chỉ qua 10 tháng, ngành rau quả đã đạt kế hoạch mà Bộ Công Thương đặt ra cho cả năm nay với trị giá XK đạt hơn 1,2 tỷ USD. Năm 2013, XK rau quả đạt mốc trên 1 tỷ USD trong khi năm 2012 đạt 827 triệu USD.

Tuy xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng mạnh nhưng số liệu thống kê cũng cho thấy, rau quả Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc với 1/3 giá trị XK mỗi năm; tiếp đến là các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan...

Tính đến hết quý III/2014, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vẫn là 3 thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với 321,48 triệu USD, tăng 43,84% so với cùng kỳ 2013.

Cơ hội từ Hoa Kỳ

Trong nhóm hàng rau quả XK sang thị trường Hoa Kỳ, ngoài thanh long và chôm chôm, mới đây nhãn và vải đã chính thức được Hoa Kỳ “mở cửa”.

Nhưng các chuyên gia cũng nhận định rằng để các sản phẩm hoa quả rộng đường sang Hoa Kỳ, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Bởi, yêu cầu rau quả nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ rất khắt khe về an toàn thực phẩm, DN cần đầu tư dây chuyền thiết bị với vốn đầu tư lớn, các đơn vị kinh doanh nhỏ rất khó đáp ứng được yêu cầu.

Trong thời gian qua ở ngay cả những thị trường đã quen thuộc, nhiều sản phẩm tươi khi xuất qua các thị trường như Trung Quốc, EU đã ít nhiều bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng quy định. Mới đây, EU đã tăng tần suất kiểm tra lên 20% để phân tích tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với thanh long Việt Nam.

Vốn đầu tư lớn trong khi lượng hàng XK sang Hoa Kỳ chưa nhiều nên nhiều DN XK trái cây của Việt Nam không dám mở rộng đầu tư vì còn lo lắng về hiệu quả. Như với quả thanh long, theo tính toán, để xuất sang Hoa Kỳ, tổng quá trình đầu tư cho sản phẩm mất từ 6 - 8 USD/kg, chi phí vận chuyển cũng lớn do xa nên giá thành cao, sản phẩm khó cạnh tranh.

Nếu so với một số thị trường nhập khẩu khác như các nước trong khối ASEAN - đầu tư không lớn, chỉ cần vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGap là có thể XK, các DN thường chọn con đường “an toàn” hơn, dù giá trị thu về có thể ít hơn.

Do đó, khi Hoa Kỳ chính thức “mở cửa” với nhãn và vải, nhiều DN khá lo ngại nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, con đường của hai loại quả này cũng sẽ gặp không ít gập ghềnh, giống như với thanh long.

>> Từ 2015, sẽ không còn rau quả độc hại từ Trung Quốc tuồn về Việt Nam?

Theo Thanh An

Cùng chuyên mục
XEM