Phẫu thuật thẩm mỹ: May nhờ, rủi chịu

01/12/2013 15:20 PM |

Khảo sát một số phòng khám, trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) và thẩm mỹ viện (TMV) ở trung tâm Sài Gòn, người viết như rơi vào một mê hồn trận toàn những lời quảng cáo thật hoành tráng và vô cùng tầm cỡ.

Nội dung nổi bật:

- Thẩm mỹ viện nào cũng tự nhận mình có công nghệ mới nhất, tốt nhất, uy tín nhất, thậm chí có phòng khám còn tự nâng cấp mình thành “bệnh viện thẩm mỹ”. 

- Tình trạng quảng cáo vượt quá phạm vi hoạt động cho phép diễn ra tại rất nhiều trung tâm thẩm mỹ. Phòng khám chuyên khoa chỉ được thực hiện những dịch vụ về môi, mi, mí, tóc, lông mày, hút mụn, nâng gò má thấp, nâng sống mũi, nhưng nhiều nơi vẫn tiến hành lấy mỡ bụng và da thừa, đặt túi mông, thu nhỏ đầu vú, độn cằm... và đặc biệt là nâng ngực nội soi. 

- Thực tế, nhiều bác sĩ Hàn Quốc mà nhiều nơi vẫn quảng cáo chỉ giống như bác sĩ “mổ dạo”, tỉ lệ rủi ro cao. Mổ xong, ăn chia tiền, bay về nước. Khách hàng có gì thì TMV đổ thừa bác sĩ kia làm về nước rồi”.



Trung tâm nào, TMV nào cũng tự nhận mình là “nơi đầu tiên chuyển giao công nghệ mới nhất của Hàn Quốc”, “là nơi duy nhất tại VN hợp tác trao đổi kinh nghiệm với nhiều nền công nghệ thẩm mỹ tiên tiến, “TMV hàng đầu VN”, “uy tín số 1 VN”, “đẳng cấp quốc tế”, “là nơi quy tụ những bác sĩ kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, được tu nghiệp ở những nước có công nghệ làm đẹp hàng đầu như Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Nhật...”, “đội ngũ bác sĩ thẩm mỹ hàng đầu VN”, “là nơi đi đầu về công nghệ mới, hiện đại”, “thương hiệu thẩm mỹ Hàn Quốc uy tín số 1 tại VN”!

Chỗ nào cũng “nhất”

Người nghe như bơi giữa một biển quảng cáo sặc mùi “thuốc nổ” của những cơ sở làm đẹp. Một số phòng khám chuyên khoa PTTM khác còn dùng những ngôn từ rất lớn lao, thể hiện “tầm vóc” của hoạt động hợp tác giữa phòng khám của mình với một TMV hoặc một bệnh viện Hàn Quốc nào đó.

Đơn cử, một phòng khám tâng bốc hết lời về một bệnh viện Hàn Quốc là “bệnh viện chuyên về PTTM luôn nằm trong top 5 trong hơn 500 trung tâm PTTM tại Hàn Quốc”, “Đây là mô hình hợp tác thẩm mỹ thành công nhất giữa VN và Hàn Quốc từ trước đến nay”...

Phòng khám này lập ra nhiều website khác nhau với tên gọi rất lập lờ, lúc thì bệnh viện, lúc là trung tâm PTTM, lúc là thẩm mỹ Hàn Quốc. Trên một website của phòng khám này tự xếp hạng cho mình là một trong những bệnh viện thẩm mỹ uy tín ở TP.HCM và để tên đứng đầu trong danh sách này!Không những thế, phòng khám thẩm mỹ này còn tự nâng cấp mình thành “bệnh viện thẩm mỹ”. Trong danh sách công bố về các phòng khám chuyên khoa PTTM được Sở Y tế TP.HCM cấp giấy phép hoạt động (tính đến ngày 24/10/2013) ghi rõ tên cơ sở thẩm mỹ này là “phòng khám chuyên khoa PTTM”.

Theo ghi nhận, đại đa số dịch vụ như nâng ngực, làm mũi, hút mỡ, kể cả gọt hàm... tại một số phòng khám chuyên khoa PTTM chỉ có nhân viên tư vấn hoặc chuyên viên tư vấn chứ không có bác sĩ. Khi chúng tôi đề nghị được gặp trực tiếp bác sĩ cho yên tâm, cô nhân viên một TMV ở quận 10 từ chối: “Bác sĩ bận lắm. Một ngày mổ biết bao nhiêu ca”.

Theo bác sĩ Hiệp Lợi (giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Hiệp Lợi), tất cả những trường hợp này khách hàng phải được gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ và chính xác. “Khách mà tới là bắt buộc phải có bác sĩ tư vấn. Nhân viên tư vấn chỉ là bước đầu”, ông Lợi cho biết.

Treo đầu dê bán thịt chó

Tình trạng quảng cáo vượt quá phạm vi hoạt động cho phép diễn ra tại rất nhiều trung tâm thẩm mỹ. Theo như chúng tôi tìm hiểu, trong giấy phép hoạt động ghi rõ phòng khám chuyên khoa ND chỉ được thực hiện những dịch vụ về môi, mi, mí, tóc, lông mày, hút mụn, nâng gò má thấp, nâng sống mũi.

Nhưng các nhân viên ở đây sẵn sàng tư vấn về lấy mỡ bụng và da thừa, đặt túi mông, thu nhỏ đầu vú, độn cằm... và đặc biệt là nâng ngực nội soi. Trên website của phòng khám này quảng cáo: “... ứng dụng phương pháp nâng ngực nội soi mới nhất từ Mỹ...”.

Tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” rất dễ tìm thấy tại nhiều cơ sở làm đẹp. Trong danh mục được phép thực hiện của một phòng khám chuyên khoa PTTM không có dịch vụ nâng ngực và hút mỡ, nhưng trên trang web của phòng khám này lại giới thiệu rất chi tiết! Bác sĩ trực tiếp tư vấn và khám cho chúng tôi dặn: nếu làm sẽ đưa đến Bệnh viện Thống Nhất vì hợp tác với bác sĩ ở đó.

Tương tự, ở một phòng khám chuyên khoa PTTM khác tại quận 10, dịch vụ gọt mặt, nâng ngực, tắm trắng không được phép, nhưng thực tế khi chúng tôi đến tìm hiểu, nhân viên tư vấn giới thiệu rất nhiệt tình về dịch vụ này.

Giá gọt mặt V-line ở đây 5.000 USD. Còn về nâng ngực, chuyên viên tên P. sau khi khám xong nói: “Như chị thì chỉ cần đặt túi 225cc. Nếu làm chúng tôi sẽ đưa chị sang Bệnh viện STO Phương Đông trên đường Thành Thái (Q.10)”. Chuyên viên này cho biết mỗi ngày phòng khám có 2 - 3 ca đặt ngực, phổ biến nhất là nội soi từ đường nách và đặt túi gel.

Một số nơi quảng cáo có bác sĩ hàng đầu Hàn Quốc trực tiếp phẫu thuật. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn được bác sĩ Hàn Quốc làm dịch vụ nâng ngực thì nhân viên tư vấn ở một số TMV đều nói phải đặt lịch, vì khi có hội thảo hoặc gom được nhiều khách bác sĩ mới qua. Có hay không chuyện bác sĩ hàng đầu Hàn Quốc sang VN?

Câu hỏi này đã được chính người ở một trung tâm thẩm mỹ lớn tại quận 1 trả lời: “Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều trung tâm quảng cáo sai sự thật là thẩm mỹ Hàn Quốc, bác sĩ Hàn Quốc phẫu thuật. Nếu các bạn mong muốn bác sĩ Hàn Quốc phẫu thuật cho mình thì các bạn nên sang Hàn Quốc và chọn gặp mặt bác sĩ mà bạn tin là phẫu thuật tốt cho bạn. Còn nếu ở VN sẽ chẳng có bác sĩ nổi tiếng nào bên xứ Hàn lại sang VN để phẫu thuật cả”.

Một bác sĩ thẩm mỹ khẳng định: “Nhiều TMV quảng cáo có bác sĩ Hàn Quốc, nhưng người nước ngoài muốn làm phải có giấy phép của Bộ Lao động - thương binh & xã hội, Bộ Công an và chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế, Sở Y tế...

Để lấy được giấy phép này, nhất là chứng chỉ hành nghề, đâu có dễ. Vậy mà họ cứ quảng cáo um sùm. Bác sĩ bình thường ở Hàn Quốc làm mũi đã 5.000 USD/ca, nếu giỏi thì 7.000 USD mà khách xếp hàng ngồi chờ như cái chợ. Nếu mời bác sĩ có tiếng hẳn hoi sang VN, cả chi phí đi lại, ăn uống, khách sạn mà chỉ trả 3.000 USD/ca hay thậm chí 7.000 USD/ca thì ai người ta chịu đi.

Tôi đã sang Hàn Quốc học hai tháng. Mình nghe bác sĩ Hàn Quốc là thấy mê nhưng những người giỏi thật sự đâu có thời gian qua đây. Còn bác sĩ Hàn Quốc mà nhiều nơi họ quảng cáo thì giống như bác sĩ “mổ dạo”, tỉ lệ rủi ro cao. Mổ xong, ăn chia tiền, bay về nước. Khách hàng có gì thì TMV đổ thừa bác sĩ kia làm về nước rồi”.

Bác sĩ T.T. bức xúc nói: “Nhìn thấy một số đồng nghiệp quảng cáo không đúng sự thật tôi thật đau lòng. Đọc quảng cáo của họ xong, vợ tôi cũng là bác sĩ, tức người trong ngành, mà còn bị nhầm thì làm sao người dân không bị nhầm. Chẳng hạn trên trang web của một TMV, họ nói và trình hình ảnh ra là có cộng tác với Bệnh viện Đại học Yonsei của Hàn Quốc. Bệnh viện Đại học Yonsei là một trong những bệnh viện có tiếng tăm và uy tín nhất nhì ở Hàn Quốc.

Nếu có cộng tác, đối tác họ sẽ chọn là những trường ĐH y có tiếng ở VN chứ! Nói như vậy để thấy rằng vì đồng tiền mà một số đồng nghiệp đã quảng cáo láo, làm cho xã hội có cái nhìn không thiện cảm đối với ngành PTTM, mà bản chất của nó vốn là làm cho cuộc sống đẹp hơn, mang lại sự tự tin hơn cho con người”.

duchai

Cùng chuyên mục
XEM