OTT tại Việt Nam có thể bị quản lý chặt hơn
Với những nội dung tại dự thảo thông tư quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet (gọi tắt là OTT) mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến, dịch vụ OTT tại Việt Nam sắp tới có thể sẽ chịu nhiều kiểm soát hơn.
Theo dự thảo, nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước có thu cước chỉ được cung cấp dịch vụ khi là doanh nghiệp và có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet.
Với những doanh nghiệp OTT không thu cước thì không cần phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
Đối với các nhà cung cấp OTT nước ngoài có thu cước và không đặt máy chủ tại Việt Nam, phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet.
Đồng thời, các nhà cung cấp OTT nước ngoài chỉ được đặt máy chủ tại Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Viễn thông.
Đáng chú ý, dự thảo này quy định, các nhà cung cấp OTT trong nước và nước ngoài không thu cước và có trên 1 triệu người đăng ký sử dụng phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) 10 ngày làm việc trước khi cung cấp dịch vụ, bao gồm các nội dung: tên, địa chỉ trụ sở của nhà cung cấp dịch vụ; địa chỉ liên hệ (số điện thoại, địa chỉ thư điện tử) của người đại diện; tên miền, địa chỉ Internet và địa chỉ đặt máy chủ cung cấp dịch vụ; số điện thoại, số nhắn tin hay địa chỉ email được sử dụng để gửi thông báo xác nhận trong quá trình đăng ký và duy trì sử dụng dịch vụ của người sử dụng.
Nhà cung cấp OTT có thu cước và không thu cước có trên 1 triệu người đăng ký sử dụng cũng phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Theo dự thảo, doanh nghiệp cung cấp OTT có thu cước phải tuân thủ các quy định về quản lý giá cước như với dịch vụ viễn thông truyền thống, đồng thời phải tuân thủ việc quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông theo quy định. Đồng thời, được đàm phán, kết nối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất, di động mặt đất để cung cấp dịch vụ OTT…
Tuy nhiên, những đơn vị cung cấp OTT miễn cước thì không được kết nối mạng tại Việt Nam để trực tiếp cung cấp cuộc gọi thoại từ người sử dụng dịch vụ thoại đến thuê bao điện thoại trong nước.
>> Khó hiểu 2 phát ngôn trái chiều của lãnh đạo Viettel về OTT
Theo Thủy Diệu