Ông Lê Phước Vũ: Tỷ trọng FDI đang quá lớn, chúng tôi thực sự rất lo
“Chúng tôi đang thực sự rất lo. FDI rất tốt với nền kinh tế, nhưng hiện tỷ trọng quá lớn, khiến mất luôn cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam”.
FDI nhảy vào, doanh nghiệp Việt không còn dư địa phát triển
“Chúng tôi đang thực sự rất lo về FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài – PV)”, doanh nhân Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen – chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Toàn cầu tại Việt Nam diễn ra sáng 30/9/2015.
“FDI rất tốt với nền kinh tế, nhưng hiện tỷ trọng quá lớn, khiến mất luôn cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất trăn trở. Nền kinh tế Việt Nam phải được dẫn dắt bởi những tập đoàn ở Việt Nam mới đảm bảo việc phát triển bền vững trước mắt và lâu dài”.
Lấy ví dụ ngành thép, ông Vũ dẫn lời ông Hồ Nghĩa Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – kiến nghị việc không tiếp tục cấp phép dự án FDI ngành thép.
“Cứ tiếp tục thế này, các doanh nghiệp thép Việt Nam không còn dư địa để phát triển. Các ngành khác cũng vậy”, ông Vũ nói.
“Doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, yếu, tuổi đời ngắn, khả năng tích lũy ít, đóng thuế đầy đủ, lại phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI khi rất nhiều doanh nghiệp FDI có tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Rất nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ nhưng vẫn được cấp phép mở rộng”.
“Không kiểm soát kiểm soát được việc chuyển giá thì không cho họ mở rộng đầu tư. Đấy là cách đảm bảo công bằng với doanh nghiệp trong nước”, ông Vũ thẳng thắn nói.
Coca - Cola đã tuyên bố từ nay sẽ có lãi
Trước e ngại của ông Vũ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận, một nền kinh tế muốn phát triển bền vững cần đi bằng 2 chân: Một chân là doanh nghiệp trong nước, một chân là doanh nghiệp FDI.
Ông Vinh cho rằng: Việc thu hút doanh nghiệp FDI nhằm tạo ra sự cạnh tranh, thay đổi nguồn lực về vốn, quản trị hiện đại... là điều cần thiết. Bên cạnh “chân FDI”, cần đi trên cả một chân nữa là phát triển mạnh doanh nghiệp trong nước.
“Lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài tương đối nhanh, đi nhanh hơn bước chân của doanh nghiệp chúng ta trong nước... Chúng ta cần đi nhanh hơn, chứ không thể đóng cửa với FDI”, ông Vinh nhấn mạnh.
“Tôi đồng ý chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mới tạo ra được thương hiệu Việt Nam”.
Về câu chuyện chuyển giá của doanh nghiệp FDI, mà cụ thể là nghi vấn Coca – Cola chuyển giá, ông Vinh cho rằng không thể vì doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng sản xuất mặc dù thua lỗ mà quy kết họ chuyển giá.
“Chuyển giá hay không chuyển giá là chuyện toàn cầu. Qua nói chuyện, Coca - Cola đã tuyên bố từ nay trở đi sẽ có lãi”, ông Vinh nói.