"Nóng" thị trường kem

02/02/2015 10:19 AM |

Các doanh nghiệp (DN) kem nội địa chiếm thị phần lớn như Vinamilk, Kido, Thủy Tạ... liệu có đứng vững trước sự xuất hiện áp đảo của các thương hiệu kem ngoại?

Nội dung nổi bật:

- Nhiều tuyên bố về sự bành trướng thị phần của các hãng kem ngoại gần như đang được thực hiện đúng theo kế hoạch tại thị trường Việt Nam.

- Trước sự mở rộng của các DN khối ngoại, liệu các hãng kem nội như Kido (Kinh Đô), Vinamilk, Thủy Tạ... có lép vế?


Cuộc đua số lượng

Dù không có mức tăng trưởng cao như các mặt hàng thuộc nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, sữa... nhưng ngành kem (ice cream), với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng/năm và tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 12,8% trong 3 năm trở lại đây, bắt đầu cạnh tranh quyết liệt.

Sau Buds, thương hiệu kem Mỹ nhập khẩu 100% vào Việt Nam, thì những thương hiệu kem ngoại như: Baskin-Robbins, Snowee, Swensens, Hagen-Dazs, New Zealand, Monte rosa, Fanny, Dairy Queen (DQ)... đều lần lượt có mặt tại Việt Nam. Nhiều tuyên bố về sự bành trướng thị phần của các hãng kem ngoại gần như đang được thực hiện đúng theo kế hoạch.

Điển hình như trường hợp của Baskin Robbins khi mới vào thị trường đã công bố kế hoạch mở 50 cửa hàng tại các thành phố lớn: Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang, Vũng Tàu... trong vòng 5 năm. Chỉ sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, Baskin Robbins đã có 23 cửa hàng tại TP.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa.

Có thể nói, Baskin Robbins tung ra chiến thuật nhượng quyền đúng thời điểm với sức mua tốt ở phân khúc trung bình. Trong khi đó, hệ thống kem Buds có 8 chi nhánh, 6 cửa hàng nhượng quyền và 7 kios. Fanny chỉ mới dừng ở con số 4 cửa hàng ở TP.HCM và một cửa hàng tại Hà Nội.

Công ty Orana Việt Nam (liên doanh giữa Công ty Orana (Đan Mạch) và Công ty Phú Công Minh (Việt Nam) đang cung ứng nguyên liệu từ trái cây tươi cho các hãng sữa tại Việt Nam như: Vinamilk, Dutch Lady, Dalat Milk... Orana mới đây đã khánh thành nhà máy 2 triệu USD sản xuất kem nguyên liệu (ice-cream base) và các sản phẩm như: mứt, nước ép, si rô... với thương hiệu Osterberg vào ngày 21/1.

Đại diện Công ty công bố kế hoạch ra mắt cửa hàng bán kem thương hiệu Osterberg theo phong cách Đan Mạch. Cửa hàng này nhằm thử nghiệm, thăm dò nhu cầu thị trường. Nếu thành công, Orana Việt Nam sẽ tiếp tục ra mắt chuỗi cửa hàng do chính Công ty phát triển, có thể sẽ được mở rộng nhượng quyền sau đó.

"Với nhà xưởng mới này, ước tính sản lượng của Công ty sẽ tăng gấp đôi, khoảng 6.000 tấn/năm. Riêng kem nguyên liệu có sản lượng trong năm 2015 khoảng 60 - 70 tấn. Nhà máy của Orana Việt Nam sẽ là nơi sản xuất kem cung cấp cho chuỗi cửa hàng tại Việt Nam", đại diện của Orana cho biết.

 

Khối nội có lép vế?

Trước sự mở rộng của các DN khối ngoại, liệu các hãng kem nội như Kido (Kinh Đô), Vinamilk, Thủy Tạ... có lép vế? Theo báo cáo phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), thị trường kem Việt Nam vẫn còn bị chi phối bởi các thương hiệu trong nước dù sự hiện diện của các đối thủ nước ngoài đang gia tăng.

Cụ thể, năm 2013, Kinh Đô vẫn giữ vị trí hàng đầu trong thị trường kem Việt Nam với hai thương hiệu Celano và Merino, chiếm 29% thị phần. Vinamilk và Thủy Tạ (Hà Nội) giữa vị trí thứ hai và ba.

Đồng thời, VPBS, cũng chỉ ra rằng, lợi thế cạnh tranh của Kinh Đô là thương hiệu mạnh, hiểu rõ thị hiếu người tiêu dùng địa phương cũng như thương xuyên tổ chức các chương trình rút thăm trúng thưởng hoặc giảm giá.

Năm 2013, Kinh Đô đạt mức tăng trưởng giá trị bán lẻ cao nhất: 27,8% đối với ngành hàng này. Năm 2014, dù không công bố cụ thể giá trị bán lẻ, nhưng TS. Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, thừa nhận, kem đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận chung của Công ty.

Ông Nguyễn Hữu chung, nhà điều hành Công ty Phú Công Minh, chia sẻ, trên thực tế, sự có mặt của các hãng kem ngoại tại thị trường Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh nội - ngoại tiếp tục căng thẳng hơn. Nhưng ở thời điểm hiện nay, so với các ngành khác, rõ ràng tỷ lệ tăng trưởng của ngành kem lạnh Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với nhiều ngành hàng khác.

Hiện nay, nói về ngành kem, thị trường Việt Nam chưa có một DN đầu ngành và đang bị chia từng phân khúc rõ rệt. Chẳng hạn, Vinamilk chỉ chuyên sản xuất kem thố có thế mạnh ở phân khúc bán lẻ, nhưng cũng là mảng rất nhỏ trong rất nhiều sản phẩm mà Vinamilk phát triển.

Kido với kem que có thế mạnh ở thị trường trung cấp với hơn 30.000 điểm phân phối. Fanny thì có những dòng sản phẩm cao cấp, cung ứng cho phân khúc Horeca... "Vì thế, trước mắt, để đưa ra kết luận lép vế hay thắng thua trước "kem ngoại" thì hoàn toàn không có cơ sở", ông Chung phân tích.

>> Bán kem cũng đâu hề đơn giản

Theo Lê Loan

Cùng chuyên mục
XEM