Nhiệt điện giá rẻ và cái giá phải trả nhìn từ trận lũ ở Quảng Ninh

31/08/2015 11:39 AM |

Có đáng không khi bằng mọi giá tăng trưởng kinh tế bất chấp những vấn đề ô nhiễm môi trường?

Trận lũ lịch sử của tỉnh Quảng Ninh trong suốt 4 thập kỷ vừa qua đã gây ra không chỉ thiệt hại về người (17 người chết) mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những mối hiểm họa tiềm ẩn đến từ các nhà máy nhiệt điện than. Gần đây, không ít tờ báo đã đề cập đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước do rò rỉ những chất độc hại từ các mỏ than đá khai thác lộ thiên, nhưng còn đó cả vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày một trầm trọng.

Thảm họa này đã dấy lên những lời chỉ trích liên quan đến không chỉ ô nhiễm nguồn nước do lụt lội, mà tiềm ẩn hơn khi những nhà máy nhiệt điện than là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí thay vì đổ lỗi do biến đổi khí hậu hay thiên tai.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có “nhu cầu” xây dựng nhà máy nhiệt điện than (nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất thế giới) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Kể cả khi các quốc gia như Canada hay New Zealand đã giã từ việc khai thác nguồn năng lượng này.

Bà Nguyễn Đặng Anh Thi, nhà tư vấn cho chương trình khai thác năng lượng hiệu quả thuộc Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) của World Bank cho rằng, đây là thảm họa môi trường đầu tiên của Việt Nam trong ngành khai thác than và những ảnh hưởng về mặt quy mô, thời gian kéo dài và mức độ thì vẫn chưa được xác định. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam đánh giá toàn diện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia liên quan đến các nhà máy điện.

Hiện nay, chính phủ dựa quá nhiều vào nguồn điện giá rẻ từ những nhà máy nhiệt điện than để cung cấp năng lượng cho toàn bộ nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng. Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), từ nay đến năm 2030, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng 10-12% mỗi năm, trong khi đó theo mục tiêu của chính phủ, thì đến năm 2020, gần một nửa lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc sẽ được cung ứng từ những nhà máy nhiệt điện than.

Dư thừa than đá giá rẻ

Vào tháng 05/2015, giá than thế giới giảm chạm đáy trong 8 năm qua khi bối cảnh thị trường thừa cung còn nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới) thì chậm lại. Vì thế, thay vì đầu tư vào than, dòng vốn dần dịch chuyển sang những nguồn năng lượng sạch hơn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ vào ngày 10/08/2015, Việt Nam có 19 nhà máy nhiệt điện than, với tổng công suất 14.480 MW và thải ra khoảng 15 triệu tấn tro. Và đến năm 2020, lượng chất thải từ các nhà máy nhiệt điện sẽ tăng ít nhất gấp hai lần hiện tại, do số lượng nhà máy nhiệt điện than sẽ tăng lên con số 43.

Đó là dấu hiệu cho thấy ô nhiễm không khí sẽ ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vào năm 2012 đã có 3,7 triệu người chết trên toàn thế giới do ô nhiễm không khí từ quá trình đốt than và các chất rắn khác; trong đó 70% số ca tử vong diễn ra ở Châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Tổ chức này cũng cho biết những rủi ro đến từ ô nhiễm không khí hiện nay ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với ước tính trước đây, đặc biệt là đối với bệnh tim và đột quỵ.

Đâu là giải pháp thay thế?

Anh Tuyến là một thợ mỏ cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) suốt 14 năm qua, sống cách công trường 150m. Và sau trận lũ, nhà anh phủ toàn bùn với than đá trôi đến từ phía mỏ. Anh còn được chuẩn đoán bị bệnh viêm phổi do công việc và nguồn khí thải từ nhà máy nhiệt điện Mông Dương.

Trong khi đó, phía Vinacomin không cho biết những thiệt hại môi trường cụ thể sau trận lụt mà chỉ có thông báo liên quan đến việc các mỏ than sẽ tái hoạt động vào tháng 08 này, trừ mỏ Mông Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì sẽ không thể khai thác trở lại đến cuối tháng 11.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu nói rằng, bùn than từ các hầm mỏ đã gây ô nhiễm một số sông suối ở thành phố Hạ Long và Cẩm Phả; trong khi nguồn cung cấp nước cho các thành phố thì vẫn ở xa khu vực bị ảnh hưởng và không bị ô nhiễm.

Phía các cơ quan trực thuộc EVN từ chối bình luận về vụ việc này. Nhưng theo thông tin trên website của Bộ Công thương, EVN còn đang có kế hoạch tăng thêm 2 nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Quảng Ninh trong hai năm tới.

Cố vấn viên cho những chính sách biến đổi khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc tại Hà Nội, ông Koos Neefjes cho rằng, Việt Nam cần có cái nhìn toàn cảnh trong dài hạn xem liệu có đáng không khi bằng mọi giá tăng trưởng kinh tế bất chấp những vấn đề ô nhiễm môi trường, và hơn hết cần có những giải pháp thay thế. Nếu còn tiếp tục đào mỏ và vận hành những nhà máy nhiệt điện kiểu này, thì quả bom hẹn giờ cho những thiên tai khắc nghiệt hay hiện tượng biến đối khí hậu tại Việt Nam đang bắt đầu “phát nổ”.

Ngọc Quân

Cùng chuyên mục
XEM