Nhà nước khởi nguồn cho đầu tư mạo hiểm

12/11/2014 14:00 PM |

Để DN lớn lên được cần liên tục đổi mới và sáng tạo, học hỏi khoa học công nghệ mới.

Là đất nước có số công ty công nghệ khởi nghiệp và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Israel cũng gặp phải vấn đề DN “không thể lớn”, tương tự như Việt Nam hiện nay.

Theo GS. Shlomo Maital, Giảng viên kinh tế học của Viện Công nghệ Technion (Israel) và Viện Công nghệ Massachuset (Hoa Kỳ), vấn đề ở chỗ, khi các quỹ đầu tư rót vốn để phát triển DN, họ thường sốt ruột bán khoản đầu tư của mình để đi tìm kiếm các khoản lợi nhuận khác. Do đó DN Israel chưa kịp lớn đã bị “sang tên”. Hệ quả là ở quốc gia này khó có công ty nào trở thành công ty toàn cầu.

Israel đã nhận ra vấn đề của mình. Ngay từ năm 1993, một quỹ đầu tư mạo hiểm có nguồn vốn 100 triệu USD do nhà nước sở hữu đã được thành lập để đầu tư trực tiếp cho các DN khởi nghiệp. Chương trình này đã lôi kéo các NĐT mạo hiểm của nước ngoài lập ra các quỹ tại Israel, dựa trên các chính sách ưu đãi của Chính phủ như giảm thuế và cam kết nguồn vốn đối ứng trong nước.

Tới năm 2000, thị trường đầu tư mạo hiểm tại Israel đã phát triển một cách độc lập và năng động, là bệ phóng cho hàng trăm DN khởi nghiệp mỗi năm. Đến năm 1998, sau khi thị trường đi vào ổn định, Chính phủ Israel cho tư nhân hoá quỹ của mình.

GS. Shlomo Maital phân tích, dù ở Việt Nam hay Israel thì các công ty khởi nghiệp đều rất cần có nguồn tài chính để phát triển các ý tưởng kinh doanh. Nhưng lúc ban đầu khởi nghiệp, các quỹ đầu tư nước ngoài không thích vì độ rủi ro cao. Thay vào đó, họ thích những công ty đã hoạt động một thời gian và thấy rõ hiệu quả. “Việc nhà nước cùng với các hãng đầu tư tư nhân tham gia vào các công ty khởi nghiệp giúp giảm độ rủi ro tới 50%. Không lâu sau khi các hãng đầu tư tư nhân tham gia vào, nhà nước có thể rời bỏ lĩnh vực này”, ông đưa ra lời khuyên.

Với Việt Nam, điều kiện kinh doanh dường như thuận lợi hơn. Trong khi Israel chỉ gồm một thị trường 8 triệu dân và vị trí không mấy thuận lợi, Việt Nam đông dân gấp 10 lần Israel, cùng với vị trí chiến lược nằm ở trung tâm của thị trường ASEAN phát triển năng động và đầy tiềm năng. Điều này, theo GS. Shlomo Maital, sẽ tạo lợi thế quy mô đủ lớn để các DN khởi nghiệp của Việt Nam sau thời kỳ đầu hoạt động có thể mở rộng và phát triển thị trường để trở thành DN lớn.

Chia sẻ về các lĩnh vực khởi nghiệp, các chuyên gia cho rằng không nên giới hạn ở một vài ngành nghề nhất định. Cụ thể là không nên cho rằng một số ngành là lĩnh vực công nghệ thấp, thay vào đó hãy ứng dụng công nghệ cao cho bất cứ ngành nghề sản xuất nào từ thực phẩm, quần áo, giày dép đến đồ điện tử... Trên thế giới hiện nay không có ngành nào là công nghệ thấp, chỉ có quản trị tốt hay không. Do đó, có thể ứng dụng các ý tưởng sáng tạo trong tất cả lĩnh vực.

Bên cạnh đó, với sự hiện diện của ngày càng nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Intel, Bosch… thì việc cung cấp các sản phẩm công nghệ hỗ trợ cho các tập đoàn này cũng là xu hướng đáng chú ý cho các DN có ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, để thành công, DN cần phải tạo ra giá trị lớn cho khách hàng của mình, đồng thời chi phí phải thấp nhất bằng hiệu quả trong quản lý của DN. Cùng với đó là định ra một cái giá hợp lý đủ để đồng thời chia đều lợi ích cho cổ đông và giữ lại cho DN. Để làm được điều này cần liên tục sáng tạo, học hỏi khoa học công nghệ mới vì thế giới ngày càng trở nên cạnh tranh.

>> Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam: Thừa thận trọng, thiếu mạo hiểm

Theo Ngọc Khanh

Cùng chuyên mục
XEM