Nghịch lý nộp thuế: Bộ Tài chính bảo giảm 537 giờ, DN nói chỉ giảm 110 giờ

25/09/2015 09:32 AM |

Theo mục tiêu nghị quyết 19 của Chính phủ, Tổng cục thuế phải đưa số giờ nộp thuế về mức Asean 6 là hơn 170 giờ trong năm 2015.

Nan giải bài toán giảm giờ nộp thuế

Việt Nam là một trong những nước có thời gian nộp thuế cao nhất thế giới. Do giảm số giờ nộp thuế là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015 – 2016.

Theo đó, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra rằng, thời gian nộp thuế đã giảm 370 giờ trong năm 2014, 50 giờ trong năm 2015. Tổng thời gian giảm đến nay là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn hơn 117 giờ/năm, tương đường giảm 78% số giờ thực tế) và đã hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết 19 đưa ra.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, tính đến 23/9/2015, đã có 98% doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử ổn định. Tổng cục Thuế đã phối hợp với 33 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ Nộp thuế điện tử, đến nay đã có 84% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và 71,3% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát đánh giá thực tế từ doanh nghiệp của CIEM, thời gian nộp thuế trên thực tế không giảm được như con số mà Bộ Tài chính đưa ra. Cụ thể doanh nghiệp ghi nhận chỉ giảm được khoảng 20% thời gian nộp thuế, tương đương 110 giờ/năm – thấp hơn nhiều lần so với mức 537 giờ.

Nguyên nhân dẫn đến sự “lệch pha” này, theo CIEM là do tính toán của Bộ Tài chính dựa trên sửa đổi của văn bản chính sách. Song có những chính sách thay đổi không đồng bộ. Tâm lý doanh nghiệp chưa thật sự tin vào những cải cách này, thực tế nhiều thủ tục đã được Bộ Tài chính cắt bỏ nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện do không nắm đầy đủ thông tin.

Một yếu tố nữa là công tác tổ chức thực hiện ở địa phương không thay đổi tốt như chính sách. Phản ánh của doanh nghiệp cho biết cùng một cơ quan thuế nhưng đối với mỗi bộ phận khác nhau, doanh nghiệp đều phải xin giấy ủy quyền riêng, tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin thay đổi chậm hơn so với thay đổi của chính sách.

Về cải cách hành chính thuế, theo đánh giá của CIEM, vẫn còn nhiều vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính thuế. Trong đó, thời gian xem xét hồ sơ hoàn thuế vượt quá quy định và chậm hoàn thuế. Nhiều doanh nghiệp cho biết, ngay cả khi nhận được quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế nhưng doanh nghiệp vẫn không thể biết được cụ thể bao giờ họ sẽ nhận được số hoàn thuế đó.

Hiện vẫn thiếu cơ chế liên thông, phối hợp về đăng ký và nộp thuế giữa các cơ quan. Doanh nghiệp không tiến hành giải thể được do cơ quan thuế không quyết toán thuế. Ngoài ra, chính sách thuế thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp không kịp cập nhật và hệ thống công nghệ thông tin mới được đưa vào ứng dụng nên thường xuyên xảy ra tình trạng nghẽn mạng.

Đại diện Bộ Tài chính nói gì?

Giải thích về việc vì sao có con số chênh lệch trên, ông Cao Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, việc tính số giờ thu thuế giảm đã được đơn vị này tính toán cùng với đơn vị tư vấn của World Bank (WB). Số giờ được tính theo các tiêu chí mà WB xây dựng là dựa trên số giờ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa (có doanh thu dưới 50 tỷ/năm).

Để cắt giảm số giờ nộp thuế, Tổng cục Thuế đã rà soát cắt giảm 77/143 thủ tục hành chính, trong đó có 12 thủ tục liên quan đến dấu, giao dịch điện tử, thuế; 14 thủ tục liên quan đến Nghị định 170; 34 thủ tục liên quan đến hóa đơn, biên lai và 7 thủ tục khác.

Ông Tuấn cho biết, với con số 500.000 doanh nghiệp thì mỗi năm đều có khoảng 10% số doanh nghiệp là mới thành lập và con số tương đương các doanh nghiệp giải thể. Do đó, việc tuyên truyền để các doanh nghiệp kê khai thuế điện tử cũng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan tới công tác hoàn thuế còn nhiều vướng mắc, chậm trễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong nghị quyết 19 chia rõ cải cách hành chính thuế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 - năm 2015, Tổng cục Thuế rút ngắn số giờ nộp thuế về mức Asean 6. Giai đoạn 2 - năm 2016, Tổng cục Thuế phải đưa 3 chỉ tiêu gồm kiểm tra trước hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế đạt mức Asean 4. Do đó hiện tại Tổng cục Thuế mới chỉ tập trung giảm số giờ nộp thuế để có lợi ích ngay cho doanh nghiệp.

Về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thuế, đại diện của Cục CNTT – Tổng cục thuế nhấn mạnh, hiện đã có tới 98% doanh nghiệp nộp thuế qua hệ thống điện tử. Mà theo thói quen, rất ít các doanh nghiệp nộp rải rác trong tháng mà đều đợi đến ngày mới nộp. Đại diện Cục CNTT lấy ví dụ trong kỳ thi đại học vừa qua, với hơn 30.000 hồ sơ mà hệ thống của bộ GD-ĐT đã nghẽn mạng thì có thể thấy ngành thuế đã phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng nhu cầu của hơn 500.000 doanh nghiệp.

Ngoài ra trong quá trình thực hiện, Cục CNTT – Tổng cục Thuế gặp rất nhiều vướng mắc khi không phải bộ ngành nào cũng chấp nhận chứng từ điện tử - cách hiệu quả nhất để đẩy mạnh cải cách hành chính thuế. Các doanh nghiệp đã nộp lệ phí ô tô xe máy trước bạ qua điện tử nhưng Bộ Công an lại không chấp nhận các chứng từ điện từ này là một ví dụ.

Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM