'Nghịch lý Cuba': Tại sao một quốc gia nghèo có hệ thống y tế công cộng không thua gì Mỹ?
Cuba có rất nhiều vấn đề về kinh tế, đất nước còn nghèo, dựa vào kinh tế tập trung hay chịu lệnh cấm vận dài hạn từ Mỹ. Mặc dù vậy Cuba vẫn khiến cả thế giới ngạc nhiên với một hệ thống y tế được liệt vào hàng tốt nhất thế giới.
Các nhà nghiên cứu gọi đó là “Nghịch lý của hệ thống y tế Cuba”. Một quốc gia có nền kinh tế nghèo nàn, nhưng người dân ở đây lại có tuổi thọ không thua kém gì so với các quốc gia giàu có hơn mình nhiều lần. Theo dữ liệu từ World Bank, tuổi thọ trung bình của một người Cuba vào năm 2011 là 79, cao hơn một chút so với nước Mỹ. Trong khi đó, Mỹ có GDP bình quân đầu người cao hơn gấp 8 lần Cuba.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Cuba chỉ khoảng 6.000 USD/năm, tương đương với Iraq hay Belarus. Những quốc gia này lại có tuổi thọ trung bình mỗi người dân ít hơn Cuba tới 8 năm.
Không chỉ tuổi thọ dân cư, Cuba còn có những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong tại Cuba cực kỳ thấp, điều hiếm thấy ở Mỹ Latin. Đối với một quốc gia còn nghèo như Cuba, họ đang làm rất tốt việc gìn giữ cho giống nòi của mình khỏe mạnh.
“Tôi luôn tự hỏi tại sao một quốc gia nghèo lại có thể khỏe mạnh, cũng như, tại sao một quốc gia khỏe mạnh lại nghèo?”, Jerry Spiegel, giáo sư tại đại học British Columbia, người đã nghiên cứu hệ thống y tế của Cuba 15 năm qua đặt câu hỏi.
Vì lý do kinh tế, rất nhiều loại thuốc quan trọng không có sẵn tại Cuba hoặc quá đắt để sử dụng. Đặc biệt là những loại thuốc đặc trị. Thậm chí, cả những đồ nghề y tế cơ bản, như clo để khử trùng, cũng không dễ kiếm. Có một thời gian đến thuốc gây mê cũng là mặt hàng hiếm và các bác sĩ phải chọn cách châm cứu để giảm đau cho bệnh nhân trong quá trình trị liệu.
Mặc dù vậy, Cuba đã đầu tư rất nhiều vào y tế công cộng. Quốc gia này có rất nhiều bác sĩ, và chính phủ sử dụng hệ thống quản lý tập trung để đảm bảo các bác sĩ này tỏa đi khắp mọi nơi trên đất nước. Phần lớn các dịch vụ y tế được chính phủ tài trợ, nó đồng nghĩa với việc hệ thống y tế của Cuba gần như giống nhau ở mọi vùng miền. Quốc gia này cũng có tỉ lệ trẻ em được tiêm vắc-xin cao nhất thế giới.
Các bác sĩ Cuba cũng được gửi đi để hỗ trợ những cuộc khủng hoảng y tế trên thế giới, chẳng hạn như dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại châu Phi lúc này.
Chính phủ Cuba đã rất nỗ lực trong việc phổ cập giáo dục công cộng, nhà ở và dinh dưỡng – những khoản đầu tư có tầm quan trọng không kém với đầu tư vào thuốc men hay bác sĩ. Ông Spiegel nhận định, Chính phủ có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế. Năm 1990, khi đất nước bị dịch sốt xuất huyết, Chính phủ tiến hành điều trị và cách ly các bệnh nhân, đồng thời làm sạch những nơi có muỗi và dịch bệnh bùng phát.
Kết quả: Người dân Cuba thường chết vì những “căn bệnh của người giàu”: Đó là ung thư và đau tim, chứ hiếm khi chết vì bệnh truyền nhiễm.
Các nhà nghiên cứu luôn thích thú với việc tìm hiểu hệ thống y tế của Cuba bởi nó là chìa khóa để tìm ra cách duy trì một quốc gia khỏe mạnh. Trong lịch sử, sức khỏe của người dân thường ti lệ thuận với tiềm lực kinh tế của quốc gia. Tuy nhiên với Cuba, mối quan hệ tưởng như chặt chẽ này dường như đang bị lung lay. Rất nhiều quốc gia giàu có hơn Cuba nhiều lần nhưng không có một dân số khỏe mạnh như vậy. Trong khi đó, những quốc gia có thu nhập tương đương với Cuba lại có tuổi thọ trung bình thấp hơn tới 25 năm.
Ngoài Cuba, một số quốc gia cũng tồn tại nghịch lý này như Lebanon hay Albania.
Một cách khác, có thể nói hệ thống y tế của Cuba có thể được hưởng lợi từ chính sự cô lập của đất nước này. Tại nhiều quốc gia đang phát triển có nền kinh tế ngang bằng Cuba, các bác sĩ và chuyên gia y tế đã rời khỏi đất nước để đến sống và làm việc cho các quốc gia khác giàu có hơn, như Mỹ chẳng hạn.
Trong khi đó, Cuba lại không lo bị chảy máu chất xám. Dù là một nước nghèo, của cải tại Cuba được chia sẻ đồng đều hơn so với những quốc gia khác.
Ông Spiegel nhận định, bị cô lập về kinh tế cũng mang lại cho Cuba nhiều lợi thế khác. Chẳng hạn, quốc gia này có ý thức tự lực cao hơn, và họ tiến hành tự đầu tư nghiên cứu sinh hóa. Ý thức tự lực này có thể mất đi một khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ, cũng như các chính sách tự do thương mại được áp dụng.
Tất nhiên, sự thay đổi này cũng sẽ mang về nhiều của cải và công nghệ y tế tiên tiến hơn tới Cuba, và có thể giúp người dân đất nước này ngày càng khỏe mạnh hơn.
>> Những bức ảnh hiếm về Cuba ngày nay
Trang Lam