Ngày đầu đặt vé tàu Tết: Mạng nghẽn, chợ đen rầm rộ

10/12/2012 18:34 PM |

Tại ga Sài gòn, ngay từ đầu giờ sáng đã có rất nhiều người đổ dồn về đây, phần nhiều là đặt không được chỗ trên mạng nên tìm đến ga để xem có cơ hội gì không.

Không nằm ngoài dự kiến, ngay từ lúc 7 giờ 30 phút sáng 10-12, ngày đầu tiên Công ty Vận tải hành khách đường sắt (VTHKĐS) Sài Gòn đưa vé tàu Tết lên mạng để người mua vé đặt chỗ thì đã nghẽn mạng. Liên tục từ lúc này đến đầu giờ chiều, website vetau.com.vn vẫn không thể truy cập.

Tại ga Sài gòn, ngay từ đầu giờ sáng đã có rất nhiều người đổ dồn về đây, phần nhiều là đặt không được chỗ trên mạng nên tìm đến ga để xem có cơ hội gì không.

Bảng giá vé tàu Tết cao ngất ngưỡng. Ảnh: Qúy Hiền

Anh Đình Lâm cùng vợ ngụ quận Gò Vấp, than: “Giá vé tàu giường nằm đi Hà Nội cao ngất, gần 2,1 triệu đồng/vé, làm sao có tiền mà mua vé về quê. Kiểu này phải chuyển qua đi xe đò thôi”.

Xem bảng giá vé tàu niêm yết tại ga Sài gòn, chúng tôi thấy giá vé cao nhất của tàu thống nhất SE4 (tàu nhanh nhất) từ Sài Gòn đi Hà Nội trong thời gian từ ngày 1 đến 8-2-2013 là 2.114.000 đồng/vé (giường nằm tầng 1, khoang 4 điều hòa), còn vé ngồi mềm cũng lên đến 1.555.000 đồng/vé.

Giá vé tàu Tết tăng cao khiến nhiều người băn khoăn đã đành, việc vào mạng đặt chỗ không được còn làm nhiều người nản lòng hơn.

Tại khu vực đợi mua vé tàu trên lầu 1, ông Nguyễn Ba ở phường 5, quận Bình Thạnh cứ ôm khư khưcái Ipad trong tay, mắt không rời màn hình, vậy mà chờ hoài không thấy mạng… nhúc nhích.

Nhiều sinh viên đứng trước máy tính ở ga Sài Gòn để đặt chỗ nhưng đành đầu hàng vì nghẽn mạng. Ảnh: T. Thạnh


Ông Ba kể, lúc 6 giờ sáng ông chạy từ nhà ra ga để xem có thông tin gì ngoài cách phải vào mạng để đặt chỗ. Thấy bảo vệ không cho vào bên trong, ông lại quay về nhà mang Ipad ra ga để tiện lên mạng đặt chỗ. Thế nhưng từ 8 giờ đến 9 giờ 30 phút, ông không thể truy cập vào trang web vetau.com.vn được.

Kiên nhẫn, ông chờ và đến 10 giờ thì truy cập được. Tuy nhiên, sau khi đăng nhập, nhập đầy đủ thông tin, ông chọn mục “tra cứu” thì mạng tắc tị.

“Màn hình cứ như vầy từ 10 giờ đến 12 giờ. Không biết kiểu này có đặt chỗ được không?”.

Ông Nguyễn Văn Ba ôm iPad suốt 4 giờ nhưng vẫn không đặt được vé. Ảnh: Q. Hiền


Không thể chọn "tra cứu" sau khi nhập thông tin. Ảnh: Q. Hiền


Ông Ba cho biết, ông đã lên mạng tạo account (tài khoản) từ ngày 6-12, ghi sẵn tên và số CMND của vợ ông và 3 ngườicon vào giấy để ngày 10-12 vào mạng đặt chỗ cho nhanh nhưng với tình hình này, ông Ba dự kiến “chắc phải thuê xe đò đi thôi”!

Gần trưa cùng ngày, lãnh đạo Công ty VTHKĐS Sài Gòn cho biết, nguyên nhân của việc nghẽn mạng là do số người chiếm dụng trên mạng quá nhiều nên có tình trạng “chèn” nhau trên mạng nên dẫn đến việc ùn ứ.

Qua ghi nhận từ nhật kí của hệ thống, Công ty VTHKĐS Sài Gòn cho biết:

- Lúc 8 giờ 15 phút mới có người đặt được chỗ đầu tiên (tàu SE14, vé giường nằm tầng 1, Sài gòn đi Hà Nội ngày 2-2)
-8 giờ 30 phút đặt được 6 chỗ
-9 giờ 47 phút: 53 chỗ
-10 giờ 15 phút: 333 chỗ
-10 giờ 45 phút: 612 chỗ
……
-13 giờ 30 phút là 2.972 chỗ

Trong khi việc đặt vé tàu qua mạng bị tắc nghẽn thì thị trường vé chợ đen hoạt động rầm rộ xung quanh ga Sài Gòn.

Thấy chúng tôi khổ sở dùng máy tính đặt mua vé qua mạng, một người phụ nữ tuổi chừng 30 sáp lại hồ hởi: “Em đừng mơ mua vé qua mạng vì mấy ngày này người ta đua nhau vào mạng mua vé, mạng thì chậm như rùa sao mà đặt được. Mua vé qua dịch vụ đi, mấy chị cam đoan sẽ giao vé sau 5 ngày đặt cọc”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn mua một vé đi Đà Nẵng vào ngày 27 Tết, chị này chắc như đinh đóng cột “Dù đi Đà Nẵng hay đi đâu cũng vậy, tiền dịch vụ là 250 ngàn đồng, đưa trước 100 ngàn đồng. Nếu đồng ý thì ra quán nước để lấy biên nhận, đảm bảo làm ăn đàng hoàng”.

Thấy tôi chần chừ, người phụ nữ đốc thúc: “Tụi tui bán vé chợ đen từ hơn chục năm qua, nghề của tụi tui sao mà dám gạt người mua vé được? Đâu phải ăn 100 ngàn đồng rồi bỏ đi chỗ khác làm ăn đâu mà sợ”.

Người phụ nữ này cho biết muốn có vé như ý phải có “mối quan hệ” và phải chi hơn một nửa tiền chênh lệch cho người cung cấp vé.

“Đâu phải muốn là có đâu, phải chi lại cho người ta mới có được vé bán cho khách chớ. Nếu không ưng thì cứ lên mạng mà ngồi chờ mua vé Tết đi”, người phụ nữ xua tay rồi lấy xe máy lượn ra cổng tiếp tục chèo kéo khách.

Theo ghi nhận, ngoài những người làm nghề bán vé chợ đen chuyên nghiệp thì các bác tài xe ôm, người bán bánh mì, hủ tiếu xung quanh ga cũng bắt mối. Mỗi lần có một vài người chạy xe ngang cổng ga là các “cò” lại í ới hỏi khách có mua vé Tết hay không.

Mặc dù tiền vé chợ đen chênh lệch hơn 200 ngàn đồng so với giá gốc nhưng nhiều khách hàng vẫn tìm đến các “cò” để đặt vé.

Có mặt ở Ga Sài Gòn với vẻ mặt mệt mỏi, chị Cẩm Phương bộc bạch: “Cách đây vài tuần, cơ quan có đặt vé tập thể cho nhân viên nhưng gia đình tôi chưa quyết được ngày về quê ăn Tết nên tôi để mất cơ hội. Giờ muốn mua vé qua mạng cũng không xong vì vào mạng không được. Tôi chọn mua vé chợ đen để đỡ tốn thời gian, công sức, để họ mua cho mình rồi đến ngày ra lấy thôi”.

Theo Q. Hiền - H. Duyên
NLĐ

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM