Nếu không có cáp treo, biết đâu Fanxipan sẽ thành cái “toilet khổng lồ”?
Chính Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã phải kêu cứu về tình trạng rác thải đã lên mức đáng báo động ở khu vực này.
Trong cộng đồng hiện đang tồn tại 2 luồng tranh cãi gay gắt giữa việc nên có hay không cáp treo lên đỉnh Fanxipan. Phía bên ủng hộ cho rằng cáp treo mang đến cơ hội hưởng thụ cảnh quan bình đẳng cho mọi người, không những chỉ những người trẻ có đủ sức khỏe, mà cả những người trẻ sức khỏe yếu hơn hay người trung niên, người già và trẻ nhỏ.
Phía bên phản đối, trong đó có rất nhiều phượt thủ, cho rằng cảnh quan là để bảo tồn cho muôn đời sau, rằng dự án cáp treo đang phá nát cảnh quan đó. Không ít người trong số họ còn tuyên bố rằng Fanxipan giống như một cô gái xinh đẹp, việc làm ra dự án cáp treo cũng giống như bạn đè ngửa cô gái đó ra để “chiếm đoạt”.
Họ nói: “Bạn có thể lên được đỉnh nhưng đó là sự thỏa mãn tạm thời nhạt nhẽo. Chỉ có khi leo núi lên đỉnh trực tiếp cũng giống như chinh phục được cô gái đó bằng rất nhiều công sức thì đó mới là nụ cười chiến thắng thực sự.”
Bên nào cũng có quyền có lý luận riêng của mình, nhưng khi cân nhắc cái được cái hơn của một dự án xét về cả mặt kinh tế và mặt xã hội, chúng ta cần những số liệu chứng minh, con số tự nó sẽ nói lên tất cả.
Vậy mà cho đến giờ chưa thấy những người phản đối dự án cáp treo trưng ra được bất kỳ một số liệu nào cho thấy dự án cáp treo đó tác động xấu đến môi trường ở mức độ như thế nào.
Tối thiểu họ cũng cần phải dẫn ra được số liệu kiểu như ước tính sau một tháng hay một năm thì lượng rác thải ra môi trường ước tính bao nhiêu tấn, xử lý rác thải sau đó như thế nào. Hoặc để bảo vệ cho quan điểm của mình, thiết nghĩ cũng cần phải đưa ra được tác hại của một số dự án cáp treo nào đó đến cảnh quan và môi trường trên thế giới.
Đừng biến Fanxipan thành bãi phóng uế khổng lồ
Tháng 10/2015, thống kê của Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho thấy số lượng người đến thăm vườn quốc gia và leo đỉnh Fanxipan tăng đột biến. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2015 đã có 89.641 lượt khách viếng thăm rừng, trong đó có 11.857 người chinh phục đỉnh Fanxipan, mức tăng trưởng 229% so với cùng kỳ. Và ban quản lý thừa nhận sức ép về rác đã lên rất cao.
Trong số những người ủng hộ dự án cáp treo, có không ít phượt thủ lâu năm. Anh Hoài Nam, một người đi phượt lâu năm và từng leo Fan nhiều lần, chia sẻ quan điểm: “Những người chưa từng leo Fanxipan sẽ không thể hiểu được hết cái vất vả trên đường đi và cảm giác vinh quang, chiến thắng khi lên được đỉnh, cảm giác đất trời thu gọn vào tầm mắt mình, vô cùng hạnh phúc.”
“Thế nhưng vấn đề môi trường do những người leo Fanxipan gây ra là không thể bỏ qua. Đồng ý rằng có rất nhiều người có ý thức luôn thu gom rác lại để mang theo xuống chân núi, nhưng còn rất nhiều người khác xả rác dọc đường đi. Ít nhất một người lên núi cũng vứt lại vài cái chai lọ và túi nilong (những thứ rác thải không tự phân hủy qua thời gian). Một người đã vậy, mỗi năm vài trăm, vài nghìn người như vậy thì lượng rác thải ra Fanxipan sẽ là bao nhiêu?” Đó là chưa kể đến đồ ăn thức uống thừa không sử dụng đến vứt vương vãi khắp dọc đường đi vì nếu mang theo lâu sẽ bốc mùi và rất nặng nhọc.
Còn theo ý kiến của anh Phạm Kiên, cũng là một người từng leo núi lâu năm, không chỉ là vấn đề rác thải mà sự phóng uế của những người leo núi cũng thực sự là kinh khủng. Anh từng kể chuyện đoàn của anh khoảng 20 người leo Fanxipan, và đến khi cần có “vấn đề” cần giải quyết thì tất cả đều chạy hết vào sâu trong rừng.
Mỗi năm có hàng nghìn người leo núi, vậy nhiều năm thì anh không thể thống kê nổi. Anh từng có suy nghĩ rằng nếu cứ leo núi một cách tràn lan và thiếu hạ tầng phục vụ cho việc vệ sinh cá nhân thì Fanxipan sẽ không khác mấy nhà vệ sinh công cộng.
Nhiều phượt thủ khác cũng đã thừa nhận về điều này trong nhật ký leo Fan của mình như sau: “Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Chúng tôi chui vào những cái lều dài dựng dưới chân núi. Mỗi người một túi ngủ, một cuộn giấy vệ sinh, muốn đi nặng nhẹ gì thì cứ tìm bụi chui vào mà giải quyết.”
Với thống kê gần 12 nghìn người leo đỉnh Fanxipan thành công trong 9 tháng đầu năm 2015 do chính ban quản lý đưa ra, chỉ cần một nửa trong số trên, tức 6 nghìn người phóng uế trên đường leo núi, đồng nghĩa với mỗi năm ít nhất Fanxipan đón 6.000 “bãi mìn” thì quả thực Fanxifan giống như một “toilet khổng lồ”.
Một tuyến cáp treo lên và xuống mỗi lượt chỉ 15 phút với những nhà vệ sinh được quản lý và xử lý chất thải hiệu quả ít nhất sẽ giúp chất thải được quy hoạch và xử lý đúng chỗ.
Gần 20 kilomet đường rừng với 3 lối leo lên Fanxipan, khó có thể thống kê hết lượng rác thải ra là bao nhiêu và rồi ai sẽ quản lý dọn dẹp đám rác thải đó.
Anh Lâm Hoàng, một người khác cũng từng leo núi nhiều năm, còn khẳng định rằng trên đường đi, những người leo núi tự phát còn đốn đi không ít cây để phục vụ cho nhu cầu cá nhân của mình, tác hại đến cây trồng cũng không thể bỏ qua.
Trong một bài báo do VTC đăng tải mới đây, “người rừng” Trần Ngọc Lâm, người được coi là hiểu Fanxipan hơn bất kỳ ai khác đã không tiếc lời ủng hộ dự án cáp treo. Hàng chục năm qua ông đã kiếm sống bằng nghề hái thuốc và dẫn khách du lịch leo Fanxipan. Ông cho biết không tháng nào không có tai nạn hoặc chết chóc xảy đến với những người leo núi.
Về vấn đề rác thải, với hàng nghìn khách du lịch mỗi năm, một số ít leo lên đỉnh còn số khác chỉ leo đến nửa chừng thì lượng rác họ xả ra mỗi năm là thực sự khủng khiếp.
Đó là còn chưa kể đến những vụ cháy rừng do những người leo núi tự phát gây ra, họ đốt lửa sưởi ấm mà đã “nướng” luôn cả ngàn hecta rừng nguyên sinh. Ông Lâm chia sẻ những ai thực sự hiểu và yêu Hoàng Liên Sơn cũng như Fansipan như ông thì không ai phản đối dự án cáp treo này. Chủ yếu những người phản đối là các bạn phượt leo Fan được vài lần, chụp vài tấm ảnh và khoe đi khoe lại chiến tích.
Quyền hưởng thụ và lợi ích kinh tế dành cho tất cả mọi người
Có bao giờ bạn nghĩ rằng bạn đi khắp cùng trời cuối đất để hưởng thụ hết đỉnh núi này đến cao nguyên kia trong khi bố mẹ, ông bà của bạn và còn rất nhiều người vì những lý do sức khỏe không cho phép cũng chỉ còn cách ngồi ở nhà và ngắm những cảnh quan đó trên tivi.
Cáp treo ra đời và giúp mang cơ hội hưởng thụ cảnh quan đến cho nhiều người đối tượng hơn, trong đó có chính người thân của các bạn. Fanxipan là của cả dân tộc Việt Nam chứ không phải riêng nhóm người nào đó. Các phượt thủ muốn vất vả để chụp ảnh với cột mốc trên đỉnh núi thì cứ việc tiếp tục và ai không đủ sức khỏe cứ đi cáp treo, không ai coi thường hay làm phạm đến quyền lợi của ai.
Bức ảnh nhiều người già có, trẻ có sung sướng khi được chụp ảnh với cột mốc trên đỉnh Fanxipan đã bị không ít người tự cho mình là “từng trải” đem ra giễu cợt rằng nó làm tổn thương đến niềm hạnh phúc và tự hào khi chinh phục Fanxipan của họ. Thiết nghĩ những người trong tấm ảnh đó cũng không có tội tình gì khi họ bỏ tiền ra để đến nơi họ muốn và cũng không làm hại gì đến những người đã và sẽ chinh phục Fanxipan bằng sức mạnh. Cười cợt niềm hạnh phúc của những người yếu thế hơn mình liệu có đáng không?
Không ít người phản đối dự án cáp treo khẳng định rằng cho đến nay, các dự án cáp treo phát triển ở Yên Tử hay Bà Nà vốn chỉ phục vụ cho quyền lợi của các công ty đầu tư bất động sản, các công ty lữ hành và chính quyền chứ không làm lợi gì cho kinh tế đất nước nói chung.
Vậy đã bao giờ họ đặt câu hỏi ví như với một du khách Việt Nam đi từ miền Nam bao lâu nay mơ ước lên được đỉnh Fanxipan và nay khi biết có cáp treo, anh đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội lên Lào Cai để thăm Sapa rồi đi cáp treo lên đỉnh Fanxipan, người đó đã chi bao nhiêu tiền trên đường đi cho hãng hàng không, cho dịch vụ ăn uống, cho nhà hàng khách sạn không chỉ ở Lào Cai.
Và nếu trường hợp trên đường áp dụng với khách nước ngoài, hẳn không ai có thể phủ nhận người đó đã mang đến món ngoại tệ nhất định cho đất nước.
Lợi ích kinh tế đó rõ ràng dành cho nhiều nhân viên hãng hàng không, người làm nghề nhà hàng khách sạn, người tiểu thương trên khắp đất nước Việt Nam chứ chẳng riêng vài công ty lữ hành hay kinh doanh bất động sản ở quanh khu vực xây cáp treo.
Một thống kê cho thấy cứ thêm 1 việc làm trong ngành du lịch thì có thêm 2 việc làm gián tiếp được tạo ra, vậy nếu cứ cho rằng có 1.000 việc làm được tạo mới tại địa phương thì kéo theo nó sẽ là 2000 việc làm khác liên quan được tạo ra, đồng nghĩa với tất cả có 3.000 gia đình hưởng lợi.
Nhìn ra thế giới, với địa hình tương tự như Fanxipan, người Malaysia với cáp treo ở cao nguyên Genting, người Brazil với cáp treo lên Sugarloaf, người Nepal với cáp treo lên đỉnh Manakamana, người Hàn Quốc với cáp treo tại Jeongeup Naejangsan hay người Nhật với cáp treo lên đỉnh núi Tanigawa.
Đặc biệt là ở Nhật, với địa hình đồi núi phức tạp, số lượng cáp treo lên núi trên toàn nước Nhật lên đến 170 cái nhưng Nhật cũng nổi tiếng thế giới về giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt cáp treo lên đỉnh núi Tanigawa của người Nhật đã được thực hiện sau khi số tai nạn chết người vì leo núi tăng lên mức cao kỷ lục trong lịch sử thế giới. Cáp treo không những giúp bảo vệ cảnh quan mà còn giúp giảm tỷ lệ thương vong.
Cuối cùng, quay trở lại vẫn là câu chuyện ý thức và sự quản lý. Nếu rác thải được phân loại xứ lý tốt và tất cả những người tham gia quản lý và sử dụng cáp đều biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ thì chắc chắn cáp treo sẽ là công cụ tốt nhất để quản lý và gìn giữ Fanxipan cho muôn đời sau.