'Nạn' phân biệt chiều cao ở Trung Quốc

04/12/2014 15:23 PM |

Chiều cao là một trong những lợi thế đáng kể khi đi xin việc ở Trung Quốc.

Khi hai nhân viên bảo vệ ở Đại Liên - một thành phố nằm ở phía Đông Bắc của Trung Quốc – nhận được tiền lương cho tháng làm việc đầu tiên, họ tự hỏi tại sao lại nhận được mức lương khác nhau cho cùng một công việc. Lãnh đạo công ty trả lời rằng nguyên nhân là do một người cao hơn người còn lại 5 cm. Nhân viên cao trên 1m8 sẽ được trả lương cao hơn vì khiến mọi người cảm thấy an toàn hơn.

Vóc dáng thường là đặc điểm đáng chú ý của nghề bảo vệ, tuy nhiên có lẽ ít ở đâu có sự phân biệt rõ ràng như ở Trung Quốc. Điều kiện để vào học ngành du lịch và quản lý khách sạn ở ĐH Huaqiao (tỉnh Phúc Kiến) là phải có chiều cao từ 170cm trở lên đối với nam và 158cm trở lên đối với nữ. Vị trí nhân viên vệ sinh ở Bắc Kinh cũng đòi hỏi nữ giới cao ít nhất 162cm. Nhiều công ty đã giảm bớt sự khắt khe về tiêu chuẩn chiều cao nhưng các ứng viên thường xuyên viết chiều cao và cân nặng vào bản sơ yếu lý lịch xin việc.

Theo một nghiên cứu mới được ĐH Khoa học và công nghệ Huazhong công bố, tiêu chuẩn chiều cao đặc biệt quan trọng đối với lao động nữ. Thậm chí mỗi cm chiều cao tăng thêm có thể khiến lương của lao động nữ tăng thêm 1,2 – 2,2%, đặc biệt trong các công việc có thu nhập từ mức trung bình đến cao. Một nhóm nghiên cứu đang tiến hành soạn thảo dự luật chống lại hiện tượng phân biệt chiều cao và những đặc điểm thể chất khác.

Theo tập đoàn RAND Corporation, ngày nay nam giới Trung Quốc ở tuổi 45 có chiều cao trung bình lớn hơn 5 cm so với 30 năm trước. Bộ đội quá cao so với những chiếc xe tăng được sử dụng trong quân đội. Năm 2010, chính phủ Trung Quốc tăng mốc chiều cao áp dụng miễn phí vé tàu cho trẻ em thêm 10 cm.

Hầu hết trường hợp cao hơn cũng đồng nghĩa với mức thu nhập tăng lên. Người giàu có hơn cũng thường ăn nhiều hơn và sống trong những ngôi nhà sạch sẽ và to hơn. Kể từ năm 1980, số thịt lợn trung bình 1 người dân Trung Quốc tiêu thụ đã tăng gấp 4. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giảm xuống mức chưa bằng 10% so với cách đây 60 năm. Quy mô hộ gia đình cũng giúp cải thiện chiều cao. Trong quá khứ, gia đình lớn khiến chiều cao bị hạn chế (không chỉ ở riêng Trung Quốc) vì có ít thực phẩm hơn. Từ những năm 1970, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, có những sự khác biệt trên khắp cả nước và điều này cũng phản ánh phần nào chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc cũng như sự phân phối không đồng đều khi nền kinh tế bùng nổ. Trung bình những thanh niên 18 tuổi ở các thành phố lớn thường cao hơn 7 – 8cm so với những vùng nghèo nhất. Khoảng cách chiều cao giữa những vùng giàu có và nghèo hơn cũng thể hiện rõ nét. Người ở phía Nam thường thấp hơn người đến từ phía Bắc.

Mặc dù chênh lệch chiều cao giữa nông thôn và thành thị đã được thu hẹp đáng kể kể từ năm 1975 tới nay, các tiêu chí khác vẫn chưa được cải thiện. Theo WHO, khoảng 20% trẻ em ở vùng nông thôn nghèo bị suy dinh dưỡng, trong khi tỷ lệ ở thành phố là 2,5%.

Sự phân biệt của các chủ sử dụng lao động chính là nguyên nhân khiến chênh lệch tăng lên và đã đến lúc khắc phục tình trạng này.

>> Vì sao tiếng Trung không thể trở thành ngôn ngữ quốc tế?

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM