Mỹ nắm giữ 1,6 tỷ USD chứng khoán Việt Nam
Tổng giá trị các doanh nghiệp Nhà nước sẽ cổ phần hóa vào khoảng 25 tỷ USD với số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài khoảng 3,75 tỷ USD. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ tham gia đầu tư ngay trong tiến trình cổ phần hoá này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, đã chia sẻ như vậy với báo chí bên lề hội thảo Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam đang diễn ra tại New York, Hoa Kỳ (do Bộ Tài chính tổ chức diễn ra từ ngày 1-6/7). Sự kiện này hiện đã thu hút hơn 160 nhà đầu tư Mỹ tham dự.
Nhà đầu tư Mỹ sở hữu 1,6 tỷ USD qua kênh chứng khoán
Thưa ông, nhìn lại 20 năm quan hệ ngoại giao Việt- Mỹ và quá trình 15 năm kể từ khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương BTA, ông đánh giá thế nào về sự hiện diện của các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam hiện nay?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, Hoa Kỳ là một trong những đối tác kinh tế - thương mại – đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Tính đến tháng 2/2015, Hoa Kỳ có 729 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng nguồn vốn khoảng 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Trên thị trường vốn, nhiều tập đoàn tài chính lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam. Tổng số nhà đầu tư Hoa Kỳ ghi nhận đến thời điểm hiện tại là 995 nhà đầu tư, trong đó tổ chức đầu tư là 565 và cá nhân đầu tư là 430 người, chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng số các nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp mã số giao dịch.
Về khối lượng, các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiện đang nắm giữ hơn 5 triệu trái phiếu, hơn 8.500 chứng chỉ quỹ và hơn 1 tỷ cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán nhà đầu tư Hoa Kỳ sở hữu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, theo cập nhật mới nhất của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, vào khoảng 1,6 tỷ USD.
Bộ Tài chính cũng như Chính phủ ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò và sự hiện diện của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Hoa Kỳ và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam.
Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam có gì để hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ?
Chúng ta đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục cổ phần hóa 289 DNNN và thoái vốn tại trên 300 DN, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ tham gia đầu tư ngay trong tiến trình cổ phần hoá này.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán. Ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn không hạn chế theo cam kết WTO. Cơ chế mới này sẽ khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thể hiện sự nhất quán và quyết tâm đổi mới của Chính phủ nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng.
TPP sẽ tạo động lực mới cho Việt Nam đẩy mạnh cải cách kinh tế
Thưa ông, Hoa Kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong đàm phán Hiệp định đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tham gia. Theo ông, chúng ta sẽ được gì trong TPP, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế với Mỹ?
Quá trình hội nhập này có không ít thách thức nhưng tôi tin rằng, sẽ tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội hơn trong quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Trước hết, TPP sẽ tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam, giúp Việt Nam có điều kiện đa dạng hoá, cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.
Hiện nay, quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2014 đã đạt gần 29 tỷ USD, tăng gấp 36 lần so với năm 2000 Chúng ta đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất của khu vực ASEAN vào thị trường Hoa Kỳ. Nếu TPP được ký kết, chúng tôi dự báo sẽ có tác động lớn giúp Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu vào Mỹ với chất lượng hàng hóa, giá trị gia tăng ngày càng cao.
Ngoài ra, tham gia vào các FTA thế hệ mới như TPP cũng chính là động lực và cơ hội giúp cho Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp, qua đó, hỗ trợ tích cực cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo ông, làm thế nào để Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh, thu hút vốn từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ đạt kết quả tốt hơn nữa?
Cũng chính với mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên thị trường tài chính, tăng cường thu hút đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, Bộ Tài chính phối hợp với các đối tác Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên tại New York, Mỹ nhằm tạo một kênh đối thoại trực tiếp giữa cơ quan của Chính phủ với các doanh nghiệp Mỹ.
Chúng tôi hi vọng, qua sự kiện này sẽ giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam, quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!