Một nửa tiền viện trợ lương thực chảy vào túi các hãng tàu biển

11/02/2014 15:51 PM |

Thay vì 'mua xa để cứu gần', Mỹ đang cải cách để chấm dứt câu hỏi trên.

Nội dung nổi bật:

- Do "mua xa để cứu gần" nên phân nửa chi phí dành cho viện trợ lương thực tới các khu vực nghèo đói đang bị chảy vào túi của các công ty vận chuyển.

- Chính phủ Hoa Kỳ quyết định cải cách nhằm tiết kiệm ngân sách.

- Nhưng Maersk, tập đoàn hàng hải lớn nhất Đan Mạch, lại tỏ ra phản đối kịch liệt, đơn giản là vì lợi ích kinh tế.


Maersk là tập đoàn lớn nhất Đan Mạch, hoạt động chủ yếu trong vận tải hàng hải, hàng năm tạo nên khoảng 15% cho GDP đất nước, có hơn 121.000 công nhân viên, đội tàu thuyền luôn duy trì mức 600 chiếc và hoạt động trên 130 quốc gia. Năm ngoái, doanh thu tập đoàn lên tới 59 tỉ USD, lợi nhuận ròng cả năm đạt 3,5 tỷ USD (dự đoán trước đó chỉ là 3,3 tỷ USD).

Maersk tự hào tuyên bố mình là một doanh nghiệp - công dân xã hội tích cực, "không ngừng quan tâm và cống hiến để nâng cao sức khỏe, an toàn của công nhân viên hay những đối tượng khác trong ngành cũng như trên toàn thế giới". Tập đoàn hiện còn đang là thành viên của Cơ quan hiệp ước toàn cầu Liên Hiệp quốc (United Nations Global Compact), một cơ quan khuyến khích giới kinh doanh hướng theo những giá trị cốt lõi trong các lĩnh vực như quyền con người, tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường. Maersk luôn tự hào mình là bộ mặt của nền kinh tế Đan Mạch hiện đại bởi sự đa dạng, nhân đạo và sáng suốt.

Nhưng tại sao tập đoàn khổng lồ này một mực chống lại việc cải cách chương trình viện trợ lương thực vô cùng thiết yếu cho hàng triệu người dân đói nghèo rải rác mọi nơi từ Syria cho tới Nam Sudan?

Bán xa - cứu gần, lợi vận chuyển

Đơn giản, hãy nhìn vào cuộc tranh cãi xoay quanh cải cách viện trợ lương thực quốc tế đang nổ ra tại Mỹ, cụ thể là những tranh luận chĩa vào Đạo luật Canh Nông (the Farm Bill). Hoa Kỳ vốn có truyền thống đáng tự hào trong việc cứu tế lương thực cho những vùng đất nghèo đói, khổ sở nhất hành tinh. Nguồn thực phẩm ấy đã duy trì cuộc sống cho hàng triệu con người. Nhưng quá trình mua bán và vận chuyển vẫn còn đầy rẫy những khuyết hãm.

Hiện nay, phần lớn lương thực trong các chương trình cứu trợ và phát triển của chính phủ Hoa Kỳ đều được đặt mua trong nước rồi vận chuyển đi hàng ngàn dặm xa xôi với chi phí cao chót vót. Dĩ nhiên, những nhà vận chuyển lớn như Maersk tha hồ hốt bạc nhưng nạn nhân cứu trợ lẫn các bên chịu thuế lại gặp phải đủ thứ bất lợi.

Nếu như viện trợ lương thực được những tổ chức nhân đạo tiếp nhận "tiền tệ hóa", doanh số lương thực Hoa Kỳ có thể xuống giá tại thị trường nội địa, nhà nông nơi đây khó phất lên và các nước nghèo khó lòng chấm dứt sự phụ thuộc vào viện trợ.

Đó là lý do tại sao các nhà tài trợ khác như Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Program) hay mua lương thực ngay tại khu vực gần những nơi được cứu trợ, cách này tiết kiệm, hiệu quả và ổn định hơn.

Tại Hoa Kỳ, quy trình mua xa - cứu gần này đã được tạo ra từ nhiều thập kỷ trước nhằm giúp xử lý lượng cổ phiếu chính phủ nắm giữ của mặt hàng nông sản. Nó kém hiệu quả ra sao? Hơn một nửa số tiền chi tiêu cho chương trình lương thực đang chảy vào túi các bên vận chuyển chứ chẳng phải dành cho việc cứu sinh. Điều đó có nghĩa hàng bọc tiền đang được đưa vào kho những công ty như Maersk. Sự phí phạm ấy lại ngày càng lộ liễu khi phí nhiên liệu tăng cao trong suốt thập kỷ qua.

Để khắc phục vấn đề, Quốc hội Hoa Kỳ đang cân nhắc cải cách sao cho chính sách Canh Nông ngày một linh hoạt, hiệu quả hơn bằng cách tập trung mua lương thực tại những khu vực gần địa điểm cứu trợ.

"Viện trợ để cứu tế, không phải để tạo nghề"

Cuộc cải cách giành được sự ủng hộ rõ rệt từ hai đảng và một loạt các tổ chức nhân đạo như Oxfam, Care, Save the Children... ngay từ khi được đề xuất. Các chuyên gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAIDnói rằng với khoản tiền tiết kiệm được nhờ cải cách, họ có thể viện trợ cho 4 triệu người mỗi năm. Nhiều nhà phân tích ngoài USAID còn đẩy con số ấy lên mức 10 triệu người.

Tuy nhiên, Maersk cùng các công đoàn hàng hải, nông nghiệp Hoa Kỳ lại đả kích cải cách kịch liệt, nhất là công ty con tại Hoa Kỳ không ngừng ám chỉ những lợi ích ngầm về mặt kinh tế, ví dụ: "Gieo trồng, sản xuất, đóng góp và vận chuyển lương thực dinh dưỡng đã tạo ra nhiều việc làm và hoạt động kinh tế cho Mỹ", đồng thời tuyên bố vô căn cứ rằng cải cách viện trợ lương thực sẽ lấy mất 44.000 việc làm trong nước.

Andrew Natsios, người đứng đầu USAID dưới thời tổng thống G.Bush cho rằng cải cách viện trợ lương thực chẳng ảnh hưởng gì đến xuất khẩu vì tỉ trọng chỉ chiếm 0,5% lượng lương thực xuất khẩu của Mỹ.

Maersk và những công ty khác dường như quên mất một điều rằng mục đích của viện trợ lương thực quốc tế không phải là để tạo ra những công việc tạm thời, kém hiệu quả cho Mỹ hay bất cứ nơi đâu mà là để cứu tế. Trên thực tế, lượng công việc ngành hàng hải tại Mỹ bị ảnh hưởng bởi cải cách viện trợ lương thực khá nhỏ, một nhà phân tích Bộ Quốc Phòng nói rằng kể cả cải cách sâu rộng hơn thì cũng chỉ "ảnh hưởng 8 đến 10 chiếc tàu không phục vụ quân sự và khoảng 360 đến 495 thuyền viên."

Tập đoàn Maersk cùng gia đình Moeller - nhà sáng lập kiêm điều hành tập đoàn xưa nay nổi tiếng xa gần bằng những cống hiến từ thiện, từ quyên tặng nhà hát Opera Copenhagen xa hoa cho nhà nước Đan Mạch để làm nơi tích trữ khẩn cấp sau trận động đất Trung Quốc.

Trong khi đó tỉ lệ tính trên GNP dành cho nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Đan Mạch vốn đứng đầu thế giới. Thật không thỏa đáng khi Maersk đang vận động hành lang để ngăn cản Mỹ - nguồn cung lương thực viện trợ lớn nhất thế giới - trong khi số người đói nghèo đang ngày một tăng.

Liệu chăng đã đến lúc Maersk phải tự nhìn nhận lại và đưa ra hành động đúng đắn?

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM