Một hộp bánh trung thu bằng cả tháng lương người lao động

04/08/2014 09:27 AM |

Chị Nguyễn Thu Trang làm công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) tâm sự: “Em hoa cả mắt khi xem giá bán bánh Trung thu. Một hộp bánh có giá 2,9 triệu đồng là bằng cả tháng lương của em đấy".

Còn tới hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng người dân khắp nơi trên cả nước đã có thể mua bánh Trung thu ở bất kỳ cửa hàng, đại lý nào của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo lớn hay tại các cửa hàng nhỏ lẫn trong khu dân cư.

Bánh nướng, bánh dẻo đủ loại với hàng trăm mức giá khác nhau khiến người tiêu dùng hoa mắt. Điều đáng phải suy nghĩ hơn cả chính là các loại bánh Trung thu chẳng biết chất lượng cao cấp đến đâu nhưng giá bán thì cao chất ngất. Chúng ta đang bước vào một mùa vui chơi của trẻ em nhưng là mùa tiêu tiền của người lớn với nguy cơ lãng phí lớn.

Bắt đầu bước vào mùa bánh Trung thu, các nhà sản xuất đua nhau tung ra các sản phẩm mới, bằng nhiều chiêu quảng cáo khác nhau. Trên nhiều đường phố Hà Nội và các vùng ngoại thành, người đi đường đã bắt gặp những quầy hàng di động mới mọc lên để trưng bày và bán sản phẩm đặc biệt của mùa thu. 

Cũng đã có nhiều người mua bánh sớm. Những chiếc bánh có tên mỹ miều, bánh giá cao ngất ngưởng tiếp tục được trình làng.

Doanh nghiệp bánh Bảo Ngọc có những loại bánh mang tên thật đẹp: Ánh Nguyệt, Hoàng Nguyệt, Bảo Nguyệt, Vương Nguyệt. Mức giá của các loại bánh này có vẻ chấp nhận được đối với mặt bằng chung, khoảng 400.000 đồng – 590.000 đồng/hộp. 

Bánh Trung thu Bibica thì có các dòng sản phẩm quảng cáo bán giá từ 1,7 triệu đồng/hộp, 1,3 triệu đồng/hộp, cho đến 790.000 đồng/hộp, 490.000 đồng/hộp, 340.000 đồng/hộp.

Thuộc diện có tiếng trong các doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu, nhãn hàng Kinh Đô cho ra nhiều loại sản phẩm có giá tiền triệu: Mức giá cao nhất là 2,9 triệu đồng/hộp dành cho loại bánh có tên Trăng vàng kim cương (gồm 10 bánh x180g và hộp trà ô long 100g). 

Bánh Trăng vàng bạch kim có giá 1,9 triệu đồng/hộp… Một chiếc bánh vi cá hải sản 4 trứng được bán 445.000 đồng/cái. Để thu hút các đại lý, Kinh Đô quảng cáo mức chiết khấu cao nhất, từ 5 - 25%.

Nhiều cửa hàng đã bày bán bánh Trung thu.

Tính đến thời điểm này, cơ sở đưa ra loại bánh cao nhất có lẽ là nhãn hàng Long Đình. Sản phẩm kèm rượu có tên “Bánh An Quý Balentine 17” được quảng cáo là 4.288.000đ/hộp.

Ngày 2/8, chúng tôi đã làm cuộc khảo sát tại nhiều địa điểm bán bánh Trung thu ở Hà Nội và thấy rằng, đã có nhiều người tiêu dùng tìm mua bánh trung thu, nhưng đa số mới chỉ là dòng bánh bình dân.

Khó có thể kể hết danh sách cách loại sản phẩm dành cho Tết Trung thu của trẻ em đáng giá tiền triệu. Có hộp bánh giá bằng cả tháng lương vất vả của người lao động. 

Nói chuyện về giá bánh trung thu, chị Nguyễn Thu Trang làm công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) tâm sự: “Em hoa cả mắt khi xem giá bán bánh Trung thu. Một hộp bánh có giá 2,9 triệu đồng là bằng cả tháng lương của em đấy. Ai mà dám mua bánh đấy cơ chứ!”. 

Rồi Trang kể: “Năm nào công ty cũng tặng mỗi công nhân một hộp bánh Trung thu với mức giá trung bình khoảng 200.000 đồng/hộp (4 chiếc). Em chờ công ty cho rồi mang về biếu ông bà. Gần đến rằm tháng 8 em mới mua vài chiếc bánh loại vừa tiền (khoảng 40.000 - 50.000đ/chiếc) cho các cháu ăn”.

Những người có thu nhập và chọn cách chi tiêu như Trang chiếm đa số trong xã hội hiện nay. Còn những loại bánh đắt tiền hầu hết được tiêu thụ khi người tiêu dùng mang biếu, tặng và được mua vào sát dịp rằm tháng 8.

Từ nhiều năm nay, loại bánh Trung thu kèm rượu, trà đã phát triển không ngừng. Nguyên liệu làm bánh cũng ngày càng đặc biệt như vi cá hải sản, gà quay, nấm Đông Cô sốt rượu rhum… Đó đâu phải là thứ dành cho trẻ em. 

Tết Trung thu, trẻ em cần được quan tâm bằng hành động thiết thực như được vui chơi, được hưởng những thứ hợp lứa tuổi và đặc biệt là các trò chơi dân gian truyền thống... Tết Trung thu không nên là cơ hội để người lớn dành chi phí “khủng” mua bánh tặng nhau nhằm mục đích nào đó.

Nhìn sự bùng nổ quầy hàng bánh Trung thu, sự thể hiện đẳng cấp trong món quà mà ý nghĩa của nó là vốn chỉ dành cho ngày Tết của trẻ em thì thật đáng lo ngại. Trong khi trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, có lẽ cả tuổi thơ cũng chẳng biết đến cái bánh Trung thu. 

Hoặc nếu may mắn, chúng sẽ được thưởng thức những chiếc bánh sản xuất thủ công ở các làng nghề đúng nghĩa bánh truyền thống với mỡ phần, lá chanh… Chúng ta lại bước vào một mùa bánh với nguy cơ lãng phí lớn.

>> Bánh trung thu chào hàng sớm

Theo Việt Hà

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM