Lọt vào nhóm tỷ phú của thế giới là điều siêu khó, nhưng sẽ còn khó hơn nữa trong 10 năm tới
Theo báo cáo của hãng Knight Frank, nhóm những người giàu có nhất thế giới đang phải đối mặt với những bất ổn trong việc duy trì tài sản khi thuế ngày càng cao còn nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm chạp.
Cụ thể, những cố vấn tài sản, quản lý quỹ đầu tư và chủ ngân hàng hàng đầu trên thế giới dự đoán tài sản của các khách hàng giàu có của họ trong 10 năm tới có thể tăng trưởng chậm hơn so với 10 năm trước đây.
Thật vậy, khoảng 6.000 người giàu đã bị loại khỏi danh sách những người giàu nhất thế giới theo báo cáo mới nhất của Knight Frank.
Như vậy, tổng số người giàu nhất thế giới năm 2015 thấp hơn 3% so với năm 2014 và năm nay cũng là năm đầu tiên số người giàu suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nguyên nhân chủ yếu được báo cáo nêu ra là do tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 đã chậm lại, giá các loại hàng hóa và tài sản bị suy giảm, qua đó ảnh hưởng đến thu nhập của giới nhà giàu.
Lấy Hy Lạp làm ví dụ, những bất ổn về chính trị và kinh tế trong những năm gần đây đã khiến tổng số tiền đầu tư trong nước giảm 18% khi hàng loạt những người giàu có cố gắng chuyển tiền ra nước ngoài.
Mặc dù xu hướng đầu tư ra nước ngoài tăng mạnh nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy giới nhà giàu không còn tự tin với đà tăng trưởng của kinh tế trong nước, buộc họ phải tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.
Theo hãng Knight Frank, việc một số quốc gia mới nổi mở cửa thị trường hơn nữa, chính sách quản lý dòng vốn ngày càng lỏng lẻo và tình hình bất ổn tại một số quốc gia đã thúc đẩy xu thế đầu tư xuyên biên giới trong những năm qua.
Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong 10 năm qua đã tăng 1.013%. Trong khi đó, đầu tư ra nước ngoài tại Italia và Hy Lạp trong thập kỷ qua đã tăng 106% và 135%.
Cũng theo báo cáo của Knight, hầu hết những dòng vốn đầu tư xuyên biên giới hiện nay được tập trung cho mảng bất động sản.