Liên tiếp sự cố tại Tân Sơn Nhất: Mục đích là làm mất uy tín sân bay?
Từ những sự cố liên tiếp trong khoảng thời gian vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi về sự minh bạch thông tin và những mối nghi ngờ của ông với những giải thích của Cục Hàng không.
Mục đích là làm mất uy tín sân bay Tân Sơn Nhất?
Đề cập đến hiện tượng “can nhiễu” vừa xảy ra tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay TSN) ngày 16/6 vừa qua, Tiến sĩ Tống cho rằng có hai khả năng dẫn đến việc này:
“Không thể có nguyên nhân từ tự nhiên. Nó có hai vấn đề. Một là do thiết bị, do trục trặc hay lý do bất thường gì đó khiến công suất của máy phát tăng lên bất thường. Thứ hai là do con người, phải có ai đó cố tình điều khiển máy phát ra sóng như vậy.
Từ máy tạo ra cũng là một khả năng nhưng ít. Ở đây tôi cho rằng phần nhiều là do người nào đó chủ động điều khiển để máy phát ra đúng tần số của không lưu. Nếu như vậy phải xác định là phá hoại”.
Tiếp tục nhấn mạnh về yếu tố phá hoại do con người, ông đặt câu hỏi: “Trong trường hợp là con người can thiệp thì họ can thiệp vào đây là để làm gì? “Phá hoại” là nói chữ mù mờ vậy thôi. Phá hoại có khi không phải để làm cho không lưu trục trặc rồi gây ra tai nạn, mà là phá hoại để cho ngưng điều khiển không lưu, tạo ra sự cố để mọi người lo lắng, từ đó nghĩ rằng sân bay Tân Sơn Nhất không còn an toàn nữa.
Tiến sĩ Tống cũng nhận định, từ cuối năm 2014 đến nay liên tiếp xảy ra những sự cố tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó nghiêm trọng nhất là vụ mất điện tại ACC/TP.HCM vào ngày 20/11/2014. Quan điều tra, nguyên nhân để xảy ra nhưng sự cố trên đều liên quan trực tiếp đến con người, do vậy ông đặt ra nghi vấn về sự phá hoại một cách có hệ thống.
“Tôi không tin số liệu của Cục Hàng không”
Cũng từ những số liệu các chuyến bay bị ảnh hưởng trong mỗi lần xảy ra sự cố. Tiến sĩ Tống tiếp tục nêu mối nghi ngờ về số lượng chuyến bay mà Cục Hàng không cung cấp để chứng minh cho tình trạng “kẹt bầu trời”.
“Người ta vẫn có nói mãi là Sân bay TSN quá tải! Nhưng tôi cho rằng có nghi vấn lớn về mặt số liệu. Như Cục Hàng không nói thì mật độ hiện nay rất là cao, nhưng qua số liệu công bố về các chuyến bay bị ảnh hưởng khi Tân Sơn Nhất bị sự cố, thì tôi thấy ít hơn mật độ trung bình rất nhiều”. – vị Tiến sĩ lập luận.
Theo ông, tuy đây chỉ là những con số trong từng thời điểm, nhưng đã phần nào cho thấy sự khác biệt khiến ông phải nghi ngờ. Ông còn cho biết mình đã nhiều lần mang máy ảnh ra chụp các máy bay cất và hạ cánh trong những khoảng thời gian nhất định để có thêm dữ liệu đánh giá.
Qua những dữ liệu và nghiên cứu riêng của mình, Tiến sĩ Tống cho biết ông không tin vào những số liệu về số lượng hàng hóa, hành khách, các chuyến bay cất và hạ cánh tại Sân bay TSN mà Cục Hàng không đưa ra.
“Cục Hàng không không thể nói rằng cái này chúng tôi có kiểm tra, kiểm soát nên chúng tôi không thể láo. Chúng tôi không thể yên tâm với những lời khẳng định như vậy, vì chúng tôi có cơ sở để nghi ngờ, đặc biệt từ số liệu thống kê từ Cục thống kê TP, và cái lý giải cho rằng số liệu đó chỉ là của Vietnam Airlines”.
[Trước đó Tiến sĩ Tống đã phát hiện ra rằng số liệu thống kê về sản lượng hành khách và hàng hóa của Sân bay Tân Sơn Nhất (giai đoạn 2005 - 2012) có sự sai khác rất lớn giữa Niên giám của Cục thống kê TP.HCM và số liệu thống kê của Cục Hàng không. Trong đó cục Hàng không đưa ra số liệu lớn hơn nhiều so với Niên giám.
Sau đó Cục hàng không đã ra thông cáo cho rằng sở dĩ có sự chênh lệch như vậy là do Niên giám chỉ thống kê sản lượng của Vietnam Airlines, trong khi Cục Hàng không thống kê cả số lượng của các hãng quốc tế.]
“Tại sao lại tìm một lý do như vậy để đổ thừa cho cục thống kê là số nó nhỏ hơn, trong khi tôi nghiên cứu thấy rằng phương pháp thống kê của Niên giám được tiến hành chi tiết, cẩn trọng hơn của Cục Hàng không”. – Tiến sĩ Tống nêu ý kiến.
“Tại sân bay Hồng Kông, người ta thuê những đơn vị tư vấn quốc tế độc lập để đánh giá khả năng hiện hữu của sân bay và khả năng khai thác tối đa của sân bay đó. Sau đó một công ty tư vấn khác sẽ dự báo nhu cầu hành khách và sản lượng hàng không trong tương lai. Trong khi đó ở mình thì Cục Hàng không công bố số liệu thống kê và cũng là nơi đưa ra dự báo. Chúng tôi đề nghị một thống kê độc lập của những công ty có uy tín trên thế giới”. – ông nói.