Làm sao để 730.000 tỷ tiền tiết kiệm 'chảy' sang chứng khoán?

22/08/2014 17:53 PM |

Hiện số dư tiền gửi cá nhân trong hệ thống ngân hàng khoảng 2.200.000 tỷ đồng, rất nhiều người chỉ có một phương án duy nhất là gửi tiết kiệm dù lãi suất thấp nhưng họ không biết làm gì với số tiền đó.

“Nếu thị trường chứng khoán có thêm nhiều sản phẩm độc đáo và nâng cao tính minh bạch, công bằng thì tiền trong ngân hàng sẽ “chảy” sang chứng khoán”, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cho biết tại Hội thảo với chủ đề Tính hai mặt của hoạt động giao dịch ký quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam do Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức sáng nay 22/8.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng hiện số dư tiền gửi cá nhân trong hệ thống ngân hàng khoảng 2.200.000 tỷ đồng. Ông cho rằng rất nhiều người họ chỉ có một phương án duy nhất là gửi tiết kiệm dù lãi suất thấp vì họ không còn biết làm gì với số tiền đó.

Ông cho rằng, trong số những người gửi tiết kiệm có nhiều người có khả năng kiến thức, tư duy đầu tư và nếu họ nhìn thấy ở thị trường có sự minh bạch, có công cụ phòng ngừa rủi ro, chỉ cần khoảng 30% của con số tiền tiết kiệm hiện nay (hơn 730.000 nghìn tỷ) tham gia vào thị trường thì sẽ gia tăng đáng kể tính thanh khoản.

Bàn về công cụ margin hiện nay trên thị trường, chuyên gia này cho rằng nó không chỉ có tính hai mặt mà còn rất nhiều mặt và được biến thể bởi nhiều chiêu trò. Bên cạnh mặt tích cực là gia tăng lợi nhuận cho NĐT, CTCK và giúp thị trường sôi động nhưng margin cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhiều công ty chứng khoán vượt rào quy định về mức cho vay tối đa. Điều này phát sinh rủi ro cho thị trường, tạo ra sân chơi không công bằng giữa các nhà đầu tư và cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty chứng khoán.

Điều này cũng được đại diện các công ty chứng khoán tham gia hội thảo nhìn nhận. “Tôi được chứng kiến có những hợp động margin mà một số CTCK ký với nhà đầu tư với tỷ lệ giao dịch ký quỹ lên đến 80%”, đại diện SSI chia sẻ.

Ông Huỳnh Minh Trí, Phó giám đốc CTCK Ngân hàng Công thương, Chi nhánh TP.HCM cho rằng việc “vượt đèn đỏ” để lôi kéo khách hàng ở một số công ty chứng khoán là sự không bằng với những công ty khác không dùng “chiêu”.

Điều này đặt ra vấn đề tuân thủ quy định của nhà đầu tư, của CTCK, đồng thời là việc giám sát của cơ quan quản lý. Đối với, CTCK, việc đảm bảo an toàn tỷ lệ tài chính cũng như công tác tư vấn đầu tư, giám sát, quản lý tài khoản ký quỹ nên được đặt lên hàng đầu. Nếu không tuân thủ các quy định liên quan có thể dẫn đến thua lỗ, mất vốn, gây thiệt hại cho chính công ty. Và thực tế trên thị trường đã chứng kiến trường hợp này xảy ra.

Về phía nhà đầu tư cũng cần lưu ý, tham gia sử dụng công cụ đòn bẩy vào những thời điểm thị trường có diễn biến tiêu cực dễ dẫn đến thua lỗ do việc sử dụng margin trong chứng khoán là con dao hai lưỡi, có thể gia tăng lợi nhuận nhưng cũng có thể thua lỗ nặng khi giá chứng khoán giảm vì vừa phải chịu lỗ trên tài khoản, vừa phải trả nợ gốc và lãi vay cho CTCK.

Công cụ margin sẽ tạo sóng, khiến giá cổ phiếu vượt giá trị thực, vậy nó có nên tồn tại? PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng thị trường có sóng là thị trường đang “sống”, và nếu không có sóng sẽ là là thị trường “chết”.

>> VNIndex chạm đỉnh 5 năm, bước ngoặt thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư?

Theo Huyền Trâm

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM