Không phải Mỹ, đây là nước thiệt hại nhiều nhất khi USD tăng giá
“Đồng nội tệ tăng giá theo USD đúng lúc sức khỏe nền kinh tế yếu đi là một điều tệ hại". Yukon Huang, người từng là giám đốc World Bank Trung Quốc, nhận định.
Dưới đây là một điều ngạc nhiên giành cho những người gán cho Trung Quốc tội danh thao túng tiền tệ: bên mất mát nhiều nhất khi đồng USD tăng giá không phải là Mỹ.
Câu trả lời là chính Trung Quốc.
Để tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính, quốc gia châu Á này đã neo đồng nội tệ vào đồng bạc xanh. Vì đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới vì dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ nâng lãi suất trong thời gian tới, đồng nhân dân tệ cũng tăng giá theo. Có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại nhiều gấp đôi so với Mỹ trong khi nền kinh tế đang giảm tốc, tất nhiên Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
“Đó là một rắc rối”, Yukon Huang, người từng là giám đốc World Bank Trung Quốc, nhận định. “Đồng nội tệ tăng giá đúng lúc sức khỏe nền kinh tế yếu đi là một điều tệ hại”.
Đó là lý do giải thích tại sao Huang và các chuyên gia kinh tế khác (trong đó có cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers) dự đoán Trung Quốc sẽ cố gắng nới lỏng mối quan hệ với đồng USD và cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá. Tuy nhiên, một động thái như vậy được cho là sẽ khiến Trung Quốc bị chỉ trích nhiều hơn nữa trong bối cảnh Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm 2016.
Huang cho rằng Trung Quốc đang bị mắc kẹt. “Nếu phá giá đồng nhân dân tệ, các chính trị gia Mỹ sẽ chỉ trích Trung Quốc gay gắt. Tuy nhiên, đó là điều cần phải làm”.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã gọi Trung Quốc là “kẻ lạm dụng nước Mỹ” và buộc tội Trung Quốc đang thao túng tiền tệ “một cách bất chính”.
Chắc chắn là kinh tế Mỹ đã bị thiệt hại vì đà tăng giá kể từ giữa năm 2014 đến nay của đồng USD. Trong suốt thời kỳ này giá trị của đồng bạc xanh đã tăng hơn 20% so với rổ tiền tệ. Đồng nội tệ mạnh hơn khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ trên thị trường quốc tế sụt giảm. Kết quả là xuất khẩu của nước này đã giảm 4,3% trong 10 tháng đầu năm nay.
USD đã tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, Trung Quốc còn gặp rắc rối lớn hơn. Thương mại chiếm tới 42% GDP của nước này trong năm 2014, so với mức 23% của Mỹ. Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, đồng USD đột ngột tăng giá 10% sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chậm lại gần 1 điểm phần trăm, gần gấp đôi so với mức tác động đến kinh tế Mỹ.
Kể từ giữa năm 2014 đến nay, nhân dân tệ đã tăng giá gần 15% so với các đồng tiền chủ chốt. Đồng tiền này tăng giá vào đúng thời điểm Trung Quốc mất đi lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia có chi phí nhân công thấp hơn như Việt Nam và Thái Lan.
Đồng nhân dân tệ cũng tăng giá theo USD.
Trong 10 năm qua, nhân dân tệ tăng giá 26% so với USD, chỉ đứng sau mức tăng 31% của đồng franc Thụy Sĩ. Quý III, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,9% so với một năm trước, thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Sự yếu ớt của khu vực sản xuất và xuất khẩu đã triệt tiêu những tiến bộ trong ngành dịch vụ và tiêu dùng.
Đồng nội tệ tăng giá cũng ảnh hưởng đến nỗ lực chống lại giảm phát của Trung Quốc vì sẽ gây áp lực lên giá nhập khẩu. Báo cáo mới được công bố cho thấy trong tháng 10 chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc giảm 5,9% so với 1 năm trước, đánh dấu tháng giảm thứ 44 liên tiếp.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm phát, đặc biệt là trong ngành sản xuất” nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục tăng giá so với USD, Xiao Geng – giáo sư đến từ ĐH Hồng Kông – nhận định.
Tuy nhiên, ông dự đoán Trung Quốc sẽ không dám để cho nhân dân tệ biến động quá mạnh vì những gì đã diễn ra trong mùa hè vừa qua cho thấy thị trường tài chính quá mong manh trước một cú sốc như vậy. Ngoài ra còn có một lý do khác để giữ nhân dân tệ ổn định so với USD: những khoản nợ nước ngoài tính bằng USD. Nếu nhân dân tệ giảm giá quá mạnh, gánh nặng nợ càng đè nặng lên vai các doanh nghiệp Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc chọn cách duy trì cơ chế tiền tệ như hiện tại, nước này phải sẵn sàng để đối phó với việc nhân dân tệ tăng giá mạnh. Theo dự báo của Allen Sinai, CEO của Decision Economics Inc., đến cuối năm 2016 USD sẽ tăng lên mức 140 yên và ngang giá so với euro.
Stephen Jen, đồng sáng lập của SLJ Macro Partners LLP (London) và là cựu chuyên gia kinh tế của IMF, nhận định hiện nay chính sách của Trung Quốc đang ở trong tình trạng “thiếu nhất quán và không bền vững”. Nguyên nhân là vì nước này đang cố gắng đạt được điều mà các nhà kinh tế học gọi là “Bộ ba bất khả thi”. Trung Quốc giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng nhưng lại không muốn giảm giá nội tệ vì lo ngại dòng vốn tháo chạy.
“Bạn không thể mở cửa thị trường vốn, kích thích tiền tệ và giữ đồng nội tệ ổn định trong cùng một lúc”, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã nói như vậy khi bàn luận về điều mà Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi.