Không phải mọi người dân Hy Lạp đều khốn khổ

29/06/2015 12:15 PM |

Khủng hoảng đã giúp cửa hàng bán thuốc nhuộm vải, cầm đồ và sửa chữa điện thoại tại Hy Lạp "ăn nên làm ra".

Denia Topalidou nhớ lần đầu tiên cô nhận ra nền kinh tế Hy Lạp đang chìm trong khủng hoảng là khi lượng khách mua thuốc nhuộm vải trong cửa hàng cô tăng đột biến. “Tôi biết những gì đang diễn ra. 10 năm trước, không ai nghĩ đến việc phải nhuộm lại những chiếc quần jean cũ cả”, Denia nói.

Topalidou hiện là chủ một cửa hàng vải nhuộm tại trung tâm thủ đô Athens cùng chị gái và cha của mình. Được thành lập vào năm 1962, cửa hiệu của cô vẫn làm ăn khấm khá trong suốt 5 năm qua. Trong khoảng thời gian đó, nền kinh tế Hy Lạp sụt giảm nghiêm trọng và cứ 1 trong 5 doanh nghiệp phải đóng cửa. Thống kê cho thấy, có gần 60 doanh nghiệp tại Hy Lạp phải đóng cửa mỗi ngày trong năm nay.

Công ty của gia đình Topalidou chỉ là 1 trong vô số những ví dụ về việc kinh doanh của các doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn khi người dân buộc phải thay đổi phong cách sống của họ. “Mọi người không có tiền để mua quần áo mới vì vậy họ sửa, cải thiện thậm chí là tự tạo ra quần áo”, Topalidou nói.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, chi tiêu hộ gia đình tại Hy Lạp đã giảm 30% kể từ năm 2010. Khi lương giảm, người dân buộc phải tìm ra những cách thức mới để tiết kiệm tiềm.

Quan sát tại cửa hàng của Topalidou có thể thấy, một khách hàng tên Brides tới cửa hiệu này để chọn mua một dảy ruy băng và màu nhuộm để làm những đồ trang trí…tự chế. Một khách hàng khác lại chọn một số vật dụng cần thiết để tự làm một món quà. Thậm chí, cửa hàng của Topalidou còn bán cả những cuốn sách dạy làm những vật dụng handmade.

Nhờ công việc làm ăn phát đạt mà Topalidous có thể mua lại 2 cửa hiệu gần đó để mở rộng đế chế kinh doanh của gia đình.

“Khủng hoảng tạo ra công việc kinh doanh này nhưng sau đó nó lại trở thành 'mốt' – mọi người đều thích những món quà tự làm và những bộ quần áo độc đáo”, Denia nói. Những trang mạng xã hội như Instagram hay Pinterest cũng giúp xu hướng này trở nên bùng nổ.

Wajahat Anwar – một người Pakistani nhập cư hiện đang điều hành một cửa hàng điện thoại di động nhỏ gần chợ thịt và cá tại Athens. Cửa hàng của anh cũng đã thay đổi chóng mặt trong 5 năm qua.

Khi Hy Lạp bắt đầu thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, doanh số bán điện thoại tại cửa hàng Anwar đã giảm 20% nhưng doanh thu từ việc sửa chữa lại tăng trưởng tới 40%. “Trước khủng hoảng, mọi người thường có xu hướng mua điện thoại mới. Bây giờ họ không có tiền và cố gắng sửa mọi thứ hoặc mua đồ cũ”.

Thực tế mới này đồng nghĩa với việc Anwar phải làm việc chăm chỉ hơn. Anh phải sửa 5 chiếc điện thoại mới có thể kiếm được số tiền bằng với việc bán 1 chiếc điện thoại mới.

Thực tế ảm đạm của nền kinh tế Hy Lạp cũng giúp ích không nhỏ cho việc phát triển những cửa hàng cầm đồ. Có hàng tá cửa hàng như vậy xuất hiện tại quảng trường Omonia ở Athens. Họ nhận thu mua các đồ vật bằng vàng và bạc để đổi lấy tiền mặt khi khủng hoảng lên đến đỉnh điểm 5 năm qua. Nikos Bilis – một chủ cửa hàng cầm đồ nói rằng số lượng khách muốn bán vàng tăng lên tới 70% do khủng hoảng.

Tuy nhiên, hiện tại khi Hy Lạp đang đứng trước bờ vực phá sản, ATM cạn tiền, toàn bộ hệ thống ngân hàng đóng cửa, Billis buồn bã nói: “Mọi người dường như đã bán hết vàng và họ không còn gì nữa. Họ cũng không có tiền để mua bất cứ thứ gì khác”.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM