Khi thủy thần trút giận vào những resort triệu đô
"Hồi trước bão cũng dữ như rứa. Nhà tạm bợ nhưng bão vô bà con tui đâu có lo vì có rừng dương ven biển che chắn. Còn bây giờ ở nhà xây kiên cố, nhưng nghe tin có bão là dắt díu nhau chạy".
Nội dung nổi bật:
- Những khu rừng phòng hộ ven biển ở Quang Nam bị phá bỏ để để xây dựng các “khu công nghiệp không khói”.
- Từ Cửa Đại, về Hội An và ra Đà Nẵng trên con đường du lịch ven biển được mệnh danh là 'con đường triệu đô'. Nhìn về phía bờ biển, những rừng dương phòng hộ ngút ngàn một thời đã biến mất, thay vào đó là những resort, khu nghĩ dưỡng hàng trăm triệu USD.
- Mất rừng, kè đá cũng chịu thua được trước bão dữ, nhiều ông chủ resort đã méo mặt bảo rằng mấy năm nay biển hung dữ quá, khó trụ lại nổi!
Khi rừng phòng hộ biến mất
Bắt đầu từ những năm 1997 sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, chính quyền địa phương bắt đầu cuộc “tảo thanh” những khu rừng phòng hộ ven biển để xây dựng các “khu công nghiệp không khói”.
Rừng dương phòng hộ ven biển biến mất, biển ăn sâu vào đất liền tại khu vực Cửa Đại, Hội An.
Chỉ một thời gian ngắn, dải rừng phòng hộ ven biển đã bị triệt hạ nhường đất cho những ông chủ triệu đô tiến hành xây dựng resort, khu nghĩ dưỡng. Để đến bây giờ, hậu quả sau những cơn bão, bờ biển bị biến dạng, cát bay vùi lấp và gây hại cho dân lành.
Những vệt rừng dương ven biển bao đời nay có tác dụng chắn gió, chống xâm lấn của sóng biển và chống cát bay giờ đây đã không còn.
Lão ngư Nguyễn Văn Nam (90 tuổi), làng chài Cửa Đại, Hội An (Quảng Nam) bảo cả đời sống nơi miền biển này chưa bao giờ ông chứng kiến cảnh sóng biển tàn phá dữ dội như mấy năm lại đây.
Những bờ kè bê tông hàng trăm tỷ bị sóng đánh gãy là điều mà ông không thể tưởng tượng nổi.
Mất rừng dương phòng hộ là mất đất do biển ăn sâu vào bờ mỗi mùa mưa bão
Ông chỉ tay về hướng Đà Nẵng và bảo rằng cách đây hơn 20 năm, dọc theo bờ biển này là rừng dương phòng hộ chắn gió, chắn sóng không cho biển xâm nhập vào đất liền.
Rồi ông bảo: "Cái rừng dương ven biển có tác dụng bảo vệ bà con tui sinh sống nơi khắc nghiệt này. Mất rừng dương, cho dù nhà nước có đầu tư cả trăm, nghìn tỷ cũng không giữ được bờ biển như cha ông đã làm mấy trăm năm nay".
Còn cụ Nguyễn Thị Lan, nhà ở sát Cửa Đại cũng bảo từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đã hơn 90 năm, rừng dương ven biển 'ăn đứt' cái bờ kè bê tông hàng trăm tỷ đồng vừa đầu tư xây dựng.
"Hồi nớ mỗi khi có bão đổ bộ vô đất liền bà con tui có lo chi mô. Gió ngoài biển thổi mạnh cấp mấy cũng kệ, vì có rừng dương chắn gió. Kể từ khi rừng dương ven biển không còn, mỗi khi nghe bão là bà con chạy quýnh quáng" - bà Lan kể.
Nhiều người già nơi cửa biển này vẫn còn nhớ như in những trận bão kinh hoàng từ ngoài biển đổ thẳng vào bờ. Nhưng nhờ có rừng dương che chắn, họ vẫn bình an vô sự.
Thủy thần nổi cơn thịnh nộ
Đi dọc ven biển từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng mới tận mắt chứng kiến được cảnh những rừng dương phòng hộ biến mất, nhường đất cho các hồ nuôi.
Những cây dừa trơ trọi được trồng thay thế ven biển tại các khu resort bị sóng biển đánh trơ gốc.
Từ Cửa Đại, về Hội An và ra Đà Nẵng trên con đường du lịch ven biển được mệnh danh là 'con đường triệu đô'. Nhìn về phía bờ biển, những rừng dương phòng hộ ngút ngàn một thời đã biến mất, thay vào đó là những resort, khu nghĩ dưỡng hàng trăm triệu USD.
Để bảo vệ các khu resort, những bờ kè chắn bằng bê tông cốt thép vững chãi được xây dựng. Cứ tưởng biển sẽ chịu thua sức người. Nào ngờ, những cơn sóng hung hãn trong những ngày bão dữ đã bẻ ngang những thân kè bê tông này.
Những bờ kè bê tông thay thế cho rừng phòng hộ bị sóng biển đánh gãy ngang.
Đi qua khu kè chắn bị sóng biển đánh gãy nằm nghiêng nơi khu resort đang xây dang dở, gặp ông chủ, hỏi bao giờ đưa vào khai thác sử dụng? Ông ngửa mặt chỉ tay lên trời bảo: Lúc mô trời thương thì khánh thành!
"Còn bây giờ bó tay! Cả bờ kè đầu tư hơn trăm tỷ bị sóng biển đánh tan tành. Nếu không xử lý được thì có khánh thành cũng chả khách nào dám đến!" - ông chỉ tay ra bờ kè vỡ toang hoác than thở.
Để giữ phần đất nơi bờ biển khi mất đất, các ông chủ resort cho đổ đá hộc để ngăn sóng. Nhưng tiền tỷ đổ xuống vẫn không ngăn được cơn cuồng nộ của biển.
Hôm bão tan, ông lại lọ mọ đi kiểm tra và ra lệnh xuất hàng chục tỷ đồng mua đá tảng từ Hòa Cầm, Đà Nẵng chở về đổ xuống mép bờ kè để chắn sóng.
Ông bảo: Đổ đá như thế này tốn tiền kinh khủng. Không biết sức tui có kham nổi không. Mấy ngày sau bão, tốn nhiều tỷ đồng rồi nhưng chẳng thấm vào đâu.
Không biết rồi đây những ông chủ triệu đô có thắng nổi sức tàn phá của biển cả hay không. Chỉ biết rằng, nhiều ông chủ mà tôi gặp đã méo mặt bảo rằng mấy năm nay biển hung dữ quá, khó trụ lại nổi!