Khách Tây liệu có "tạo sóng" BĐS cao cấp?
Bất động sản thu hút khoảng 18% tổng số kiều hối khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, cùng với đó là hàng chục nghìn chuyên gia người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam...là nguồn cầu lớn cho phân khúc BĐS cao cấp.
Tóm tắt
- Ngay khi quy định về việc nới lỏng điều kiện mua và sở hữu bất động sản đối với cá nhân, tổ chức người nước ngoài và Việt kiều có hiệu lực (1/7/2015), những ngày đầu tháng 7 thị trường địa ốc ghi nhận tín hiệu rất tích cực từ xu hướng mua bất động sản của người nước ngoài.
- Vinhomes Central Park là dự án căn hộ cao cấp đầu tiên có tới 112 người nước ngoài và Việt kiều đăng ký mua trong ngày bán hàng đầu tiên.
Từ 2008, chúng ta đã thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở nhưng quy định rất khắt khe, người nước ngoài phải trực tiếp đầu tư ở Việt Nam, là người có công hoặc kết hôn với công dân Việt Nam mới được sở hữu nhà ở, hơn nữa họ cũng chỉ được mua 1 căn hộ để ở chứ không được mua để kinh doanh,…
Nhưng nay, họ chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam là có có quyền mua và sở hữu bất động sản, được thực hiện các giao dịch giống người Việt như mua, thuê mua, tặng cho và thừa kế.
Thời hạn sở hữu 50 năm nhưng có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ khi có nhu cầu. Khác với trước đây, người nước ngoài còn được mua bất động sản để kinh doanh và được sở hữu số lượng 30% tổng căn hộ trong một tòa chung cư và 10% tổng số nhà thấp tầng trong 01 dự án.
Điều này đang tạo nên một “làn sóng” mới thu hút dòng vốn ngoại trên thị trường địa ốc. Đây cũng là một cú “hích” cho thị trường bất động sản phát triển. Nói như ông William Towne Baker - Tổng Giám đốc City Garden thì việc cho người nước ngoài mua nhà là bước tiến mạnh mẽ để mở rộng thị trường bất động sản Việt Nam trước làn sóng đầu tư nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng vốn FDI đổ vào BĐS vẫn duy trì vị trí thứ 2 trong 16 ngành, lĩnh vực được đầu tư và đã thu hút được 465 triệu USD chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.
Thực tế thị trường địa ốc gần đây cũng đang ghi nhận một làn sóng thâu tóm dự án BĐS tại Việt Nam từ các tập đoàn đa quốc gia khá mạnh. Tập đoàn Gaw Capital Partners mua lại 4 dự án lớn từ Indochina Land, cũng như hợp tác với đối tác Việt Nam muốn xây tòa tháp đa năng 86 tầng tại Thủ Thiêm trong quần thể dự án 1,2 tỷ USD, Tập đoàn Greed từ Nhật thâu tóm nhiều dự án của Năm Bảy Bảy, Gamuda của Malaysia thì mua lại 35% còn lại dự án Celadon City từ Sacomreal, VinaCapital cũng công bố rót 15 triệu USD vào Novaland,…
Với các cá nhân người nước ngoài, nay họ không còn lo ngại về vấn đề sở hữu, với Kiều bào thì lại càng dễ dàng hơn khi được xem như người Việt trong việc giao dịch địa ốc.
Vì thế mà ngay khi quy định có hiệu lực, làn sóng khách Tây dường như đang “đốt nóng” thị trường BĐS cao cấp Việt. Bằng chứng là chỉ trong 2 tiếng đồng hồ mở bán căn hộ cao cấp Vinhomes Central Park tại khu trung tâm Tp.HCM trong buổi tối ngày 1/7 thì đã có tới 400 khách ngoại quan tâm. Theo Vingroup nhân viên tư vấn bán hàng của công ty cũng như các đại lý bán hàng phải rất vất vả, tất bật mới hoàn tất các thủ tục cho khách hàng đặt mua bởi số lượng mua lên tới 112 trường hợp.
Đây là con số bất ngờ và rất ấn tượng của một dự án BĐS mà người nước ngoài mua từ trước đến nay. Con số này bằng 1/4 số lượng người nước ngoài đã mua nhà ở trong 5 năm thực hiện thí điểm (2008-2013).
Không chỉ có Vinhomes Central Park, nhiều dự án căn hộ cao cấp khác cũng đang tranh thủ bán cho khách ngoại. Theo chủ đầu tư dự án City Garden tại Thảo Điền, một cặp vợ chồng người nước ngoài đã sinh sống ở Tp.HCM từ năm 1992 đã quyết định mua căn hộ dự án này ngay ngày đầu tiên luật có hiệu lực.
Hay như Tập đoàn Novaland cũng vừa dành 100 căn hộ từ 4 dự án đang triển khai là The Sun Avenue (Q.2), The Botanica (Q. Tân Bình), Lucky Palace (Q.6), Sunrise CityView (Q.7) để bán cho người nước ngoài và Kiều bào.
Theo một nhà chuyên môn có kinh nghiệm thì không phải bất cứ dự án BĐS cao cấp nào cũng có thể “hút” được người nước ngoài, mà dự án đó phải đảm bảo được nhiều yếu tố như quy hoạch, thiết kế, hạ tầng, dịch vụ tiện ích và đặc biệt là vấn đề an ninh. Người nước ngoài thường ưa chuộng những dự án như vậy như Indochina Plaza, một số dự án quanh Hồ Tây ở Hà Nội, City Garden ở Thảo Điền và sắp tới có thể là Vinhomes Central Park…
Với quy định mới, chắc chắn dòng vốn ngoại sẽ lại tiếp tục được đổ vào BĐS. Trong 6 tháng đầu 2015 đã có 2,16 tỉ USD kiều hối về Tp.HCM tăng 18,2%. Thống kê của NHNN Tp.HCM có khoảng 21,8% là đổ vào BĐS, dự báo cả năm Tp.HCM sẽ đón nhận khoảng 5,3 -5,5 tỷ USD.
Mỗi năm nước ta có khoảng 12 tỷ USD kiếu hối, theo một chuyên gia của Savills Việt Nam, trong đó khoảng 17-18% chảy vào BĐS.
Đây sẽ là nguồn cầu lớn và tiềm năng để các “ông lớn” BĐS đón đầu cơ hội khi luật nới điều kiện mua nhà của khách “Tây”. Bên cạnh đó, theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước sau 5 năm thí điểm cho người nước ngoài thì mới chỉ có 427 trường hợp đã mua nhà ở, trong khi đó Việt Nam có tới khoảng 80.000 chuyên gia đang sinh sống và làm việc, trong đó hơn 21.000 người đủ điều kiện và và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đó cũng sẽ là cơ hội đầy tiềm năng cho các đại gia địa ốc khi luật đã “mở” cho khách “Tây”.