Khả năng lây lan Ebola ngày càng lớn

23/08/2014 19:14 PM |

Viện Pasteur TPHCM cũng cho biết đã lập 6 đội phản ứng nhanh (10 nhân viên/đội) sẵn sàng đến tận địa phương thực hiện các công đoạn xử lý kiểm soát và cách ly nếu xảy ra dịch Ebola.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định trong buổi họp trực tuyến sáng 22.8 về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, việc ngăn ngừa dịch Ebola từ nước ngoài tràn vào Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay.

Khó kiểm soát toàn bộ nguồn bệnh

Thứ trưởng Long cho biết, khả năng lây nhiễm Ebola vào nước ta là có thể xảy ra. Tại 4 nước ở Tây Phi, số ca mắc bệnh và tử vong đã tăng rất nhanh. Chỉ trong vòng 20 ngày của tháng 8, số ca tử vong đã tăng gấp đôi so với tháng 7. Số ca mắc ở các nước này càng tăng nhanh thì cơ hội dịch bệnh tràn vào VN lại càng lớn.

Mặc dù VN chưa có đường bay trực tiếp từ 4 nước có dịch ở Tây Phi, nhưng mỗi ngày có 3-4 chuyến bay từ Trung Đông có hành khách quá cảnh từ vùng có dịch về. Ngoài ra, có 70-80 chuyến bay quốc tế, trong đó có nhiều hành khách không xuất phát từ vùng có dịch, nhưng lại quá cảnh tại đây.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế chỉ thực hiện việc kê khai y tế bắt buộc với hành khách đến từ 4 nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Còn việc các hành khách trên các chuyến bay quốc tế, đi từ các nước khác không phải thực hiện kê khai này.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế các địa phương phải tiến hành kiểm tra thân nhiệt với mọi khách từ các chuyến bay quốc tế. Nếu phát hiện trường hợp sốt phải cách ly ngay.

Đặc biệt, các cơ quan y tế có quyền yêu cầu cách ly cưỡng chế trong trường hợp cần thiết. Sau đó, phải khử khuẩn, sát khuẩn máy bay, khu vực hàng không, để tránh việc lây nhiễm virus Ebola.

Hiện nay, số lượng hành khách quốc tế nhập cảnh vào VN khá lớn. Bộ Y tế yêu cầu các Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các địa phương bám sát danh sách khách nhập cảnh và lưu trú tại địa phương do Cục Y tế dự phòng cung cấp và phải có sự giám sát sức khỏe với các hành khách này.

Tính đến thời điểm hiện tại, TPHCM đã ghi nhận 79 hành khách và Hà Nội ghi nhận 4 hành khách đi từ vùng có dịch về (trong đó có 75% là người nước ngoài và 25% là người VN). Các trường hợp này vẫn đang được giám sát và chưa có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Bộ Y tế đã gửi cho các địa phương có người cư trú thuộc diện giám sát này để thực hiện các biện pháp theo dõi, kiểm tra.

Viện Pasteur TPHCM cũng cho biết đã lập 6 đội phản ứng nhanh (10 nhân viên/đội) sẵn sàng đến tận địa phương thực hiện các công đoạn xử lý kiểm soát và cách ly nếu xảy ra dịch Ebola.

VN đã có thể xét nghiệm, phát hiện bệnh

PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, viện đã có thể xét nghiệm và phát hiện được virus Ebola chỉ trong vòng 4-6 giờ. Tuy nhiên, hiện WHO quy định việc xét nghiệm Ebola chỉ được thực hiện tại 9 phòng xét nghiệm trên toàn thế giới (5 phòng tại Tây Phi và 4 phòng tại Mỹ, Đức, Canada, Pháp) nên mọi mẫu xét nghiệm của VN đều không được thực hiện tại chỗ. 

Viện trưởng Lân đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới ban hành chính thức quy trình xét nghiệm virus Ebola cho các nước cùng thực hiện. Trong thời gian chưa ban hành, các chuyên gia WHO có thể tham gia đánh giá quy trình xét nghiệm của Viện Pasteur để sớm đưa vào sử dụng.

Việc chẩn đoán, sàng lọc tại chỗ cũng được xem là nhu cầu cấp thiết tại các bệnh viện, giúp hạn chế sự lây lan ra cộng đồng. TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - cho hay, quy trình của bệnh viện đã có thể xác định và chẩn đoán được bệnh nhân nhiễm Ebola. Tuy nhiên, từ thực tế trong việc cách ly, giám sát 2 bệnh nhân Nigeria nghi nhiễm Ebola vừa qua đã phát sinh những phức tạp trong vấn đề an toàn sinh học.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính - GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - đề nghị, công tác xét nghiệm cũng cần phải được xem xét nghiêm túc, tránh lây chéo và tác động khi vận chuyển. Ngoài việc cách ly, cần phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu dự phòng, không chỉ thực hiện ở phòng xét nghiệm, vi sinh, mà cần áp dụng trong mọi bộ phận liên quan đến máu và dịch của bệnh nhân.

Để dự phòng việc lây lan trong bệnh viện, Tổ chức Y tế Thế giới tại VN cho biết sẽ thông qua một quy trình hướng dẫn xử lý chất thải, máu, dịch tiết của bệnh nhân Ebola.

>> Hai bác sĩ người Mỹ đã miễn nhiễm với Ebola?

Theo Khương Quỳnh

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM