HSBC: Sản xuất tăng trưởng mạnh, kinh tế VN vẫn đối mặt với 2 rủi ro
Trong báo cáo mới cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5, Ngân hàng HSBC cho rằng, mặc dù ngành sản xuất đạt mức tăng trưởng ấn tượng, song nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với 2 rủi ro lớn..
Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2015. Với tựa đề “Thách thức khó khăn, chỉ số PMI tháng 5 vẫn tăng mạnh”, báo cáo nhận định, trong khi những khó khăn khách quan vẫn đang rất mãnh liệt thì nhu cầu trong nước đang hồi phục mạnh; tăng trưởng tín dụng và nhập khẩu đều tăng mạnh.
Lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng mạnh
Cụ thể, báo cáo của HSBC chỉ ra rằng, lĩnh vực sản suất của Việt Nam đang đứng ngoài xu thế chung: chỉ số này tiếp tục tăng mạnh ngay cả khi nhu cầu toàn cầu đang yếu đi. Chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 5 đạt mức 54,8 điểm – mức tăng mạnh nhất trong lịch sử.
Sản lượng và đơn hàng mới đã nhảy vọt từ mức 55,6 và 55 điểm lên tương ứng 56,7 và 57 điểm – một kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm lại và các nước trong khu vực châu Á đều có chỉ số PMI sụt giảm.
Xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài không liên quan đến sản phẩm dầu mỏ trong tháng 5 đã tăng 18% kể từ đầu năm đến nay, trong khi các doanh nghiệp trong nước có hoạt động xuất khẩu tiếp tục suy yếu, giảm 1,7%.
Bên cạnh đó, báo cáo của HSBC cũng nhận định, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục sụt giảm với số lượng khách nước ngoài giảm 12,6% so với đầu năm.
Trong khi thương mại toàn cầu đang không tăng trưởng thì Việt Nam đang dần đạt được thị phần toàn cầu nhiều hơn nhờ vào chi phí nhân công giá rẻ. Số đơn đặt hàng mới tăng mạnh lên 57 điểm trong tháng 5 từ mức 55 trong tháng 4. Việc làm cũng tăng từ mức 51,9 điểm lên 53,1 điểm.
Đâu là rủi ro?
Trong báo cáo mới cập nhật tháng 5, Ngân hàng HSBC cho rằng, mặc dù ngành sản xuất đạt mức tăng trưởng ấn tượng, song nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với 2 rủi ro lớn.
Thứ nhất, nguồn dự trữ của Việt Nam mặc dù tăng cao nhưng cũng vẫn còn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi ít nhất 3 tháng để được xem là nguồn dự trữ đủ.
“Nếu như Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ để bù đắp cho những thiếu hụt vốn tài trợ, thanh khoản có thể trở thành một vấn đề đặc biệt trong thời điểm mà NHNN cần sử dụng nguồn dự trữ của mình để ổn định tiền đồng” – Ngân hàng này dự báo.
Thứ hai là vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam. HSBC nhận định, nếu như mức thâm hụt này nhiều hơn 10 tỷ USD, NHNN sẽ phải sử dụng một khoản đáng kể trong nguồn dự trữ của mình để hỗ trợ cho tiền đồng.
Trước đó, Tổng cục Thống kê ước tính mức thâm hụt thương mại trong 5 tháng đầu năm ít hơn 3 tỷ USD; trong khi số liệu của Tổng cục Hải quan cho rằng mức thâm hụt là 3,5 tỷ USD vì Tổng cục Thống kê cho rằng xuất khẩu sẽ hồi phục trong nửa sau của tháng 5 trong khi nhập khẩu sẽ chậm lại.
Trên cơ sở đó, HSBC kỳ vọng, mức thâm hụt thương mại của cả năm 2015 sẽ ở mức 3,5 tỷ USD, cho phép tài khoản vãng lai có một mức thặng dư nho nhỏ.