Hàng loạt quy định mới có hiệu lực từ 1/1/2015

25/12/2014 09:00 AM |

Cho phép mang thai hộ, hợp đồng mùa vụ cũng phải bảo hiểm thất nghiệp, thêm nhiều loại công trình được miễn giấy phép...

Cho phép mang thai hộ, hợp đồng mùa vụ cũng phải bảo hiểm thất nghiệp, thêm nhiều loại công trình được miễn giấy phép... là những quy định đáng chú ý tại một số luật có hiệu lực từ 1/1/2015.

Xin điểm qua một số nội dung mới của các luật này.

Người thân thích mới được mang thai hộ

Thay thế Luật Hôn nhân và gia đình 2000, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã nâng độ tuổi kết hôn lên đủ 18 tuổi đối với nữ và đủ 20 tuổi đối với nam và tiếp tục không thừa nhận hôn nhân đồng tính.

Luật này cũng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

Điểm mới tiếp theo là việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên (trước đây là 9 tuổi).

Theo luật, không tính thời gian chung sống như vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn vào thời kỳ hôn nhân.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân.

Hợp đồng mùa vụ cũng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Với Luật Việc làm, so với quy định trước đây, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ có thêm người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ từ đủ 3 tháng trở lên.

Mặt khác, cũng không còn quy định người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 người lao động trở lên mới phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, người lao động giúp việc gia đình hoặc đang hưởng lương hưu thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Chậm nộp bảo hiểm y tế, lãi tăng gấp đôi

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2008, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có nhiều quy định mới.

Như cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động thuộc diện phải đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì buộc phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây).

Ngoài ra người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Thêm nhiều loại công trình được miễn giấy phép

Thay thế Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014 bổ sung một số loại công trình được miễn cấp giấy phép xây dựng.

Như công trình thuộc dự án được Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư, công trình xây dựng tạm phục vụ cho công trình chính, công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được thẩm định và phê duyệt.

Cũng được miễn giấy phép xây dựng là nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng, diện tích sàn nhỏ hơn 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt.

Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quảnlý kiến trúc.

Quy định mới về phá sản

Thay thế Luật Phá sản 2004, Luật Phá sản 2014 quy định rõ thời điểm chủ nợ, người lao động người lao động bắt đầu có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là hết 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán được.

Luật này cũng bổ sung phương án thương lượng giữa các bên trước khi tòa thụ lý đơn yêu cầu của chủ nợ (trước đây không quy định).

Theo luật mới, tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với hợp tác xã và cả doanh nghiệp.

Và các giao dịch bị coi là vô hiệu khi được thực hiện trong vòng 6 tháng trước ngày tòa án thụ lý đơn, trước đây chỉ 3 tháng.

Bên cạnh các luật nói trên, từ ngày đầu tiên của 2015 còn một số luật khác cũng có hiệu lực thi hành, như Luật sửa đổi các luật về thuế, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hải quan, Luật Công chứng, Luật Đầu tư công, Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi)…

>> Những quy định mới về Luật kinh doanh Bất động sản 2014

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM