Giang hồ xuất hiện, “đảo ngọc” Phú Quốc hết bình yên

07/08/2015 08:57 AM |

“Đảo ngọc” Phú Quốc không còn hiền hòa, yên bình như xưa. Bí thư Huyện ủy Phú Quốc cho biết đã thấy điều đó và chỉ đạo công an tăng cường tuần tra để bảo đảm an toàn cho du khách.

Một người dân bị hành hung đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc sau vụ tranh chấp đất đai - Ảnh: G.S.
Một người dân bị hành hung đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc sau vụ tranh chấp đất đai - Ảnh: G.S.

Thời gian gần đây, nhiều trọng án đã xảy ra trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang) - nơi được mệnh danh là “đảo ngọc” - khiến huyện đảo du lịch nổi tiếng hiền hòa này không còn được bình yên như trước.

Không chỉ vụ bắn giết nhau như trong phim xảy ra tại vũ trường Lion Garden Beer Club (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) tối 1-8, dư luận Phú Quốc từng không ít lần “dậy sóng” khi trước đó có nhiều vụ chém giết xảy ra trên đảo.

Băng nhóm xuất hiện

Hai tháng trước, người dân Phú Quốc rất phẫn nộ trước cái chết của anh T.V.T., một người làm rẫy vô tội ở xã Dương Tơ. Anh T. bị đoạt mạng bằng mã tấu khi đang ngồi xem bóng đá.

Hàng xóm của anh T. cho biết anh chết chỉ vì giống một người trước đó có xô xát trong một cuộc nhậu với những thanh niên trên đảo.

Anh T.V.T. không phải là nạn nhân duy nhất bị hành xử bằng hung khí sau những mâu thuẫn nhỏ. Ngày 25-3, anh N.H.T. (20 tuổi), một bộ đội phục viên, cũng bị một nhóm người bất ngờ chặn đường đâm 8 nhát dao.

Trong nhóm này có hai cô gái trẻ. Anh T. bị đâm trọng thương vì “tội” giành hát tại một buổi tiệc!

Ông Phạm Văn Nghiệp - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - thừa nhận ông cũng nghe thông tin có tình trạng các băng nhóm côn đồ xuất hiện trên đảo.

Những băng tội phạm này gây án không chỉ bởi những mâu thuẫn cá nhân vặt vãnh mà còn tham gia bảo kê các nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm giải trí... như xảy ra ở các đô thị khác.

Theo ông Phạm Văn Nghiệp, tình hình an ninh trật tự tại Phú Quốc có nhiều bất ổn một phần là do đảo này “phát triển quá nóng”. Cùng các dự án đầu tư, số người nhập cư ra đảo cũng rất lớn. Có những dự án hơn 1.000 công nhân. Rất nhiều vụ án là do người nhập cư gây ra.

“Nhà nguyên mẫu của người dân Phú Quốc ngày trước là không có cửa. Xe cộ đậu ngoài đường không cần rút chìa khóa. Giờ lại có nạn tội phạm đi theo khách du lịch, bẻ khóa cửa nhà, phá khóa để trộm xe...” - ông Nghiệp nói.

Theo ông Nghiệp, đó là “sản phẩm” từ đất liền du nhập ra đảo Phú Quốc. Tình hình tội phạm có khi xuất phát từ mâu thuẫn ăn nhậu, cũng có khi do tranh chấp hợp đồng làm ăn... Có những loại tội phạm trước đây chưa hề xảy ra trên đảo nhưng giờ đã xuất hiện.

Ông Nghiệp còn nói trước đây phạm pháp hình sự không có người địa phương, nay đã có người địa phương.

Một tay anh chị bị công an Phú Quốc bắt giữ - Ảnh: G.S.
Một tay anh chị bị công an Phú Quốc bắt giữ - Ảnh: G.S.

Giang hồ... đất

Cơn sốt đất ở Phú Quốc trở thành điều kiện béo bở cho các băng nhóm hoạt động với “dịch vụ” bảo kê cho các hoạt động chiếm đất.

“Một đối tượng mua “đất chỉ” (đất không có giấy tờ hợp pháp), một đối tượng khác biết được liền nhảy vô rào chiếm. Khi người mua đất phản ứng thì lập tức có đối tượng bặm trợn tham gia can thiệp” - ông Nghiệp kể.

Không những vậy, các thành phần bất hảo cũng xuất hiện trên các dự án có sự tranh chấp giữa doanh nghiệp với người dân. Bà C., một người dân ở thị trấn Dương Đông, đang gửi đơn khắp nơi tố cáo chuyện tranh chấp đất giữa bà và một doanh nghiệp tại xã Dương Tơ.

Khi vụ việc đang chờ cấp có thẩm quyền giải quyết, bà đến phần đất tranh chấp thì bị một nhóm người bịt mặt xưng là “bảo vệ” khu đất dọa sẽ “giết” bà nếu bà dám đặt chân đến nơi này.

Bức xúc với nạn “bảo kê”, một người đi đường dùng điện thoại chụp ảnh những đối tượng đang hăm dọa bà C. thì lập tức bị đuổi đánh, phải bỏ chạy thục mạng.

Sau vụ bà C. không lâu thì cũng tại xã Dương Tơ lại xảy ra vụ một nhóm thanh niên lạ mặt đánh người của một hộ dân kéo đến đòi một doanh nghiệp phải bồi hoàn tiền đất.

Một người dân có đất cho biết đang xuất hiện tình trạng các băng giang hồ đứng ra “thay mặt” các bên nhảy vào “phân xử” tranh chấp đất đai.

Tăng cường đảm bảo 
an toàn cho khách

Chiều 6-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lâm Minh Thành - bí thư Huyện ủy Phú Quốc - cho biết không phải đến bây giờ mà từ vài năm nay huyện đã thấy nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Huyện đã chỉ đạo lực lượng công an tăng cường các đợt cao điểm ra quân phòng chống tội phạm.

Ông Thành cũng nói đúng là với đà phát triển quá “nóng” như hiện nay, hàng ngàn con người tứ xứ đổ về làm ăn, phát sinh phức tạp về an ninh trật tự là tất yếu.

Trong khi đó, lực lượng công an lại quá mỏng, biên chế không được bổ sung nên xử lý không xuể.

“Do đặc điểm đảo Phú Quốc nằm biệt lập khá xa với đất liền, lại có sân bay quốc tế nên lãnh đạo huyện đã kiến nghị trung ương cho thành lập một trung đoàn cảnh sát cơ động đặc nhiệm để tăng cường an ninh trật tự trên đảo. Tuy nhiên, việc này chưa thấy cấp trên trả lời” - ông Thành nói.

Ông Mai Văn Huỳnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cũng nhìn nhận thời gian gần đây tại huyện đảo Phú Quốc xảy ra một số vụ án có tính chất khá nghiêm trọng là rất đáng tiếc, ít nhiều tạo tâm lý lo lắng cho người dân và du khách.

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan công an tăng cường lực lượng, tổ chức tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ để ra quân trấn áp các loại tội phạm trên đảo, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.

“UBND tỉnh cũng đã thành lập một tổ công tác liên ngành bao gồm nhiều lực lượng để tăng cường cho huyện đảo. Hi vọng nay mai tình hình sẽ trở lại bình thường” - ông Huỳnh nói.

Ảnh hưởng du lịch

Ông Phạm Phú Hải - nguyên phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Quốc - nhận định tình hình tội phạm xuất hiện tại Phú Quốc đã ảnh hưởng đến tâm lý của người đi du lịch, đầu tư ra đảo.

“So với nơi khác, chưa chắc gì Phú Quốc phức tạp hơn. Nhưng gần đây lộn xộn hơn là do người nhập cư, trong đó có cả những tội phạm. Có khi họ gây án ở nơi khác rồi ra Phú Quốc lẩn trốn, tiếp tục phạm tội”.

Theo TIẾN TRÌNH - H.TRÍ DŨNG

Cùng chuyên mục
XEM