Gạo xuất khẩu: Mở thêm thị trường châu Phi

29/02/2016 08:40 AM |

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2/2016 ước đạt 523.000 tấn với giá trị đạt 228 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm nay tăng gấp gần 2,1 lần về khối lượng và tăng gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Indonesia vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 với thị phần đạt 25,21%.

Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 137.450 tấn và 54,59 triệu USD, tăng 119,5 lần về khối lượng và 103,1 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 với 30,65% thị phần, đứng vị trí thứ hai về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 với 12,51% thị phần.

Tháng 1/2016, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm 3,16% về khối lượng và giảm 7,56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là thị trường Philippines tăng hơn 16 lần về khối lượng và giá trị, đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 12,38% thị phần; thị trường Malaysia tăng 48,26% về khối lượng và tăng 40,65% về giá trị; thị trường Đài Loan tăng gấp gần 2 lần về khối lượng và tăng 78,15% về giá trị; thị trường Ghana tăng 9,44% về khối lượng nhưng giảm 4,93% về giá trị.

Các thị trường có sự giảm lớn là Bờ Biển Ngà (giảm 27,92% về khối lượng và giảm 11,38% về giá trị), Hongkong (giảm 16,42% về khối lượng và giảm 25,23% về giá trị) và Hoa Kỳ (giảm 7,84% về khối lượng và giảm 23,01% về giá trị).

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đầu năm 2016 sẽ ít bị áp lực bởi lượng gạo tồn kho từ 2015 chuyển sang thấp, trong khi lượng gạo đã được ký hợp đồng để giao trong quý I cao hơn mọi năm, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Cụ thể, hợp đồng xuất khẩu đã ký trong quý I là 1,2 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước là 300.000 tấn.

Tuy nhiên, giá bán và số lượng xuất khẩu như thế nào sẽ ít nhiều tùy thuộc vào diễn biến của hiện tượng thời tiết là El-Nino.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, bộ này đã làm việc với những cơ quan có liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi.

Đây là thị trường được đánh giá tiềm năng bởi châu lục này có khoảng 1 tỷ dân, có nhu cầu nhập khẩu gạo 25% tấm là loại gạo mà Việt Nam có lợi thế về giá.

Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng phương thức hàng đổi hàng do những vướng mắc trong khâu thanh toán đối với thị trường này.

Cùng chuyên mục
XEM