Du khách Trung Quốc: Doanh thu và hệ lụy
Khách Trung Quốc đổ bộ cấp tập, dịch vụ nào cũng phấn khởi; tất cả bội thu, như nông dân được mùa và ngư dân trúng đậm. Nhưng cũng nhiều khi, niềm vui sớm bị phôi pha, như trời quang vẩn đục mây mù... Tweet
Tết vừa rồi, du khách Trung Quốc tràn ngập Nha Trang. Thông thường, khách đông thì ai cũng vui, dù có khi lo lắng. Vui vì doanh thu và lợi nhuận, còn lo là lo quá tải, sợ phục vụ không xuể, dễ sinh thiếu sót.
Nhưng, với khách Trung Quốc thì khác, bên cạnh vui là buồn, có khi buồn lấn át cả vui. Tại sao như vậy?
Hai mặt của cuộc sống
Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ, chiếm 1/5 nhân loại, tổng GDP gần 7 nghìn tỷ USD, xếp thứ hai sau Mỹ, trước Nhật (tổng GDP Nhật Bản là gần 5,9 nghìn tỷ USD, dù dân số chỉ bằng 8% Trung Quốc).
Năm 2015, trong tổng lượng khách du lịch thế giới (outbound) hơn 1 tỷ, khách Trung Quốc đã chiếm độ 10%. Người Trung Quốc ra nước ngoài đông nhất, trên 100 triệu, đồng thời là du khách chi tiêu nhiều nhất, tính theo đầu người. Khách Trung Quốc luôn đứng đầu bảng xếp hạng lượng khách du lịch của các nước và vùng lãnh thổ lân bang.
Khách Trung Quốc dễ tính, mê đánh bài, thích mua sắm, chi tiêu mạnh, lại đông đảo, nên luôn được chờ đợi và chào đón nồng nhiệt.
Thậm chí, một số nước, khi đón khách Trung Quốc, còn phải trả cho các công ty tổ chức mấy chục USD/đầu người, gọi là “mua” khách. Coi như người Trung Quốc được đi du lịch miễn phí, dù họ vẫn đóng tiền, bởi số tiền lời từ các chi tiêu của họ còn nhiều hơn cả tiền tour...
Tuy nhiên, cuộc sống luôn có hai mặt đối lập. Khách Trung Quốc đổ bộ cấp tập, dịch vụ nào cũng phấn khởi; tất cả bội thu, như nông dân được mùa và ngư dân trúng đậm.
Nhưng cũng nhiều khi, niềm vui sớm bị phôi pha, như trời quang vẩn đục mây mù, bởi cách hành xử “không giống ai” của khá nhiều du khách Trung Quốc. Họ đi tới đâu thì du khách các nước, nhất là Âu - Mỹ, “bỏ chạy” tới đó.
Chỗ nào đông khách Trung Quốc là nơi đó bị phàn nàn, người dân ngán ngẩm, du khách các nước bỏ đi. Từ thói quen ăn uống, nói năng bỗ bã ồn ào, xả rác, khạc nhổ, viết vẽ bậy, ít chịu xếp hàng, sẵn sàng gây sự…
Nhận định này là đúc kết cả quá trình, từ nhiều nước, chứ không “vơ đũa cả nắm”. Cho dù, nước nào cũng có người này người nọ, tốt xấu lẫn lộn. Cho dù, cũng rất nhiều người Trung Quốc lịch sự, thân thiện, dễ mến.
Bản thân người viết đã gặp những đoàn khách Trung Quốc từ Bắc Kinh, Thượng Hải tham quan châu Âu, kỷ luật và nghiêm túc không kém người Nhật. Song, do số đông hơn “kém văn hóa”, nên nhiều “con sâu” khiến cả “nồi canh” phải vạ lây.
Chính quyền Trung Quốc từng có nhiều biện pháp quyết liệt, từ vận động đến xử phạt hành chính nghiêm khắc những hành vi kém văn hóa của người Trung Quốc khi ra nước ngoài, nhưng hiệu quả còn nhiều hạn chế.
Thậm chí, một số nhà hàng ở Đức còn treo bảng xin lỗi các du khách khác, vì sự khiếm nhã và phiền toái từ du khách Trung Quốc.
Tại anh, hay tại ả?
Câu chuyện thường thấy lâu nay trong nông nghiệp Việt Nam là do chạy theo thời vụ, không có tầm nhìn xa và quy hoạch cụ thể, nông dân cứ nhắm mắt trồng nuôi cây - con nào đang “hot”, bỏ rơi những cây - con ổn định để chạy theo phong trào.
Hậu quả là chỗ nào cũng cung vượt cầu, phải chặt bỏ lãng phí hàng loạt.
Ngành du lịch trong nước cũng vậy, thấy khách Trung Quốc, khách Nga ào ạt đổ bộ là xuất hiện tình trạng “tham phú phụ bần”, lơ là các thị trường ổn định và bền vững khác, thậm chí quay lưng với cả khách nội địa.
Một số vấn nạn về chặt chém, nâng giá, giành giật dịch vụ… ở Nha Trang dịp Tết vừa qua, có phần nguyên nhân từ lượng khách Trung Quốc quá tải.
Vấn nạn khách Trung Quốc, nước nào cũng gặp nhưng mỗi nước có cách giải quyết riêng; hợp tình, hợp lý; buộc người vi phạm “tâm phục, khẩu phục” chứ không thể tự tung, tự tác.
Lỗi này không chỉ do khách chủ quan; mà còn do chủ xuề xòa, bị động, thiếu phương án cụ thể. Chưa kể, có doanh nghiệp còn bán giấy phép cho công ty nước ngoài núp bóng nên càng khó kiểm soát.
Vấn đề là phải tìm hiểu văn hóa du khách để có hành xử và cả đối phó hợp lý. Thị trường nào cũng phục vụ, nhưng cần có định hướng và phân khúc hợp lý. “Nhập gia tùy tục”, nước nào cũng có những chuẩn mực văn hóa cụ thể, có quyền từ chối những du khách quậy phá và xuất khẩu tệ nạn.
Các dịch vụ, các điểm tham quan cũng cần có những quy định riêng mà mọi du khách phải tuân thủ. Ai vi phạm đều bị xử lý, từ chối dịch vụ.
Khách Trung Quốc, khách Nga thường “bạo phát, bạo tàn” chợt đến, chợt đi, như mưa rào mùa hạ. Nước nào cũng ít nhiều phải “trả học phí” cho việc đó, mà Mũi Né (Bình Thuận) tại Việt Nam là bài học nhãn tiền, rất khó khắc phục.
Các nhà quản lý cần có tầm nhìn bao quát, dự báo tình huống để xứ lý, chứ không lúng túng bỏ mặc như hiện nay. Phải thay đổi tư duy du lịch chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận trước mắt.
Về tác giả: Ông Nguyễn Văn Mỹ là người sáng lập và Chủ tịch Công ty Lửa Việt Tours, Ủy viên Ban Chấp hành các hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Du lịch TP.HCM, Lữ hành TP.HCM...
Ông còn là giảng viên môn "Thiết kế tour" và "Nghiệp vụ hướng dẫn viên" tại Học viện Hàng không, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn Hiến và nhiều trường đại học khác, đồng thời là cộng tác viên cho nhiều tờ báo lớn về các lĩnh vực du lịch, thời sự, giáo dục...