Du học sinh Việt Nam ở nước ngoài: 1,5 tỉ USD và hơn nữa

21/01/2013 10:39 AM |

Nếu tính một suất du học, tính bình quân mỗi năm tốn tối thiểu 10.000 - 15.000 USD (có thể cao hơn) thì mỗi năm Việt Nam chuyển ra nước ngoài từ 1 - 1,5 tỉ USD.

Trong một cuộc họp gần đây, Vụ Hành chính sự nghiệp của Bộ Tài chính dẫn số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng. Theo đó, niên khóa 2010-2011 có 98.536 người, niên khóa 2011-2012 có 106.104 học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập.

Nếu tính một suất du học, tính bình quân mỗi năm tốn tối thiểu 10.000 - 15.000 USD (có thể cao hơn) thì mỗi năm Việt Nam chuyển ra nước ngoài từ 1 - 1,5 tỉ USD.

Du học đang trở thành “phong trào” đối với những gia đình trung lưu trở lên, nó cũng cho thấy một bộ phận không nhỏ các gia đình có đời sống khá lên hẳn và việc đầu tư cho việc học của con em mình là ưu tiên hàng đầu.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ có 35% du học sinh Việt Nam học ở các nước châu Á, còn lại chủ yếu là Mỹ, châu Âu. Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) công bố thống kê cho thấy số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại các cơ sở giáo dục ĐH của Mỹ năm học 2011-2012 tăng 4,6%, từ 14.888 lên 15.572 sinh viên. 12 năm qua, năm nào số lượng sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ cũng tăng cao và hiện là quốc gia đứng vị trí thứ 8 trong số các nước có nhiều sinh viên du học tại Mỹ. Nhật Bản, Úc, Pháp cũng là những quốc gia có nhiều du học sinh Việt Nam…

Nếu nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, “phong trào” du học có nhiều mặt lợi ích khi nguồn nhân lực nước nhà được đào tạo từ những nền giáo dục có chất lượng cao. Chỉ cần 1/3 trong số du học sinh sau khi học xong về nước làm việc thì chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo theo kiểu “xã hội hóa” này được nâng cao rõ rệt. Nhưng ở góc độ giáo dục cũng cho thấy chất lượng đào tạo của các trường ĐH trong nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu học của người dân, buộc phụ huynh phải cho con em mình du học.

Cả nước hiện có 414 trường ĐH, CĐ, có học phí hợp lý, hay cũng có thể nói là rất rẻ nhưng vẫn để một khoản ngoại tệ lớn chảy ra nước ngoài cho việc du học là điều phải suy nghĩ. Nguyên nhân đơn giản là do chất lượng đào tạo các trường không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Kết quả xếp hạng các ĐH ở châu Á năm 2012 do Công ty Đánh giá ĐH - QS World University Rangkings vừa công bố, trong 200 ĐH hàng đầu của châu Á không có một trường ĐH nào của Việt Nam. Nếu tìm thêm nữa, trong tốp 300, có ĐH Quốc gia Hà Nội, chỉ xếp gần ngang hàng với các ĐH tỉnh lẻ của Thái Lan như Walailak University. Như vậy, chuyện chảy máu ngoại tệ cho chuyện học hành là tất yếu.

Không chỉ vậy, việc chảy máu ngoại tệ cũng xảy ra ngay trong nước khi mà nhiều trường ĐH trong nước liên kết với các trường ĐH nước ngoài để mở ngành đào tạo và các trường ĐH nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Dù Chính phủ vừa có Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định rất gắt gao về tài chính cho các trường ĐH nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, như phải có vốn đầu tư trên 15 triệu USD mới được mở trường… nhưng chắc chắn trong thời gian tới vẫn có thêm các trường ĐH nước ngoài có mặt tại nước ta.

Thực chất của vấn đề đây là cuộc cạnh tranh về chất lượng đào tạo, trong đó chúng ta đang ở vị trí yếu thế. Nếu chất lượng đào tạo của các ĐH Việt Nam tiếp tục giậm chân tại chỗ, tình trạng đua nhau du học vẫn tiếp tục xảy ra…

Theo Lưu Vĩnh Hy
Người Lao động

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM