Doanh nghiệp quyết định 'cách chơi'
Trong thực tiễn, hàng hóa nhập khẩu buộc phải qua những kênh chính ngạch của doanh nghiệp Việt, cả doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI, trừ số ít hàng nhập lậu.
Có một điều rất khó giải thích: Trên các diễn đàn, hội nghị bàn thảo về sự lệ thuộc kinh tế Trung Quốc hầu như không thấy tiếng nói từ “con tim, khối óc” của doanh nghiệp, doanh nhân. Lực lượng chủ lực của nền kinh tế đang nghĩ gì, làm gì, ấp ủ những dự định gì?
Còn nhớ, cuối tháng 6, trong cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhắc nhở doanh nghiệp về một vấn đề hết sức hệ trọng: Thời hạn tự do hóa thương mại ASEAN- Trung Quốc đã cận kề.
Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN- Trung Quốc đã được ký, sau đó, lần lượt các Hiệp định: Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, đầu tư ASEAN- Trung Quốc được ký kết, hoàn tất các “trụ cột” cho Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA). Theo thỏa thuận, Trung Quốc và Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan sẽ gỡ bỏ 90% hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau kể từ năm 2010. Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar sẽ tham gia theo lộ trình kéo dài trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2015.
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa, Việt Nam phải xóa bỏ các dòng thuế trong Danh mục thông thường không muộn hơn ngày 1/1/2018; giảm các dòng thuế trong Danh mục nhạy cảm xuống 0- 5% không muộn hơn ngày 1/1/2020. Như vậy, những “làn sóng” hàng hóa không riêng của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam khi các “đê, đập” thuế quan buộc phải gỡ bỏ theo cam kết ACFTA đã nhìn thấy trước mắt.
Dù vậy, sóng dữ không thể tự do tràn vào mọi ngả. Trong thực tiễn, hàng hóa nhập khẩu buộc phải qua những kênh chính ngạch của doanh nghiệp Việt, cả doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI, trừ số ít hàng nhập lậu. Quyết định cuối cùng - “cách chơi” - thuộc về doanh nghiệp!
>> 10 kỹ năng kinh doanh quan trọng nhất năm 2020
Theo Trần Phương