Doanh nghiệp dược: Nội tăng tốc để đuổi kịp ngoại
Dự báo tốc độ tăng trưởng tổng tiền sử dụng thuốc tại Việt Nam sẽ gấp gần 6 lần vào năm 2028 (từ 44 - 248USD/người/năm) so với hiện nay. Đây có được xem là "tin vui" để các doanh nghiệp (DN) ngành dược mạnh tay đầu tư để đối đầu với các hãng dược nước ngoài?
FDI "quá nhanh"!
Bốn năm trước được xem là thời điểm nhiều nhà đầu tư (NĐT) ngoại gom mua cổ phần của các công ty dược Việt Nam. Điển hình như: Pure Heart Value Investment Fund mua 5,4% cổ phần của Công ty CP Dược phẩm OPC (tương đương 442.500 cổ phiếu), hay CFR International SPA (Chi Lê) đã mua thành công hơn 6,4 triệu cổ phiếu của Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), để trở thành cổ đông lớn nhất tại DMC với 38,58% cổ phần.
Tuy nhiên, các hoạt động của NĐT ngoại chỉ diễn ra trên sàn giao dịch chứng khoán, nên nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng đây là động thái thăm dò thị trường dược phẩm Việt Nam. Trong khi đó, các DN dược khối nội, có tiềm lực mạnh, lại xem đây là việc hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Đồng thời kỳ vọng, với sự hậu thuẫn của NĐT ngoại, DN sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn thông qua việc hỗ trợ sản xuất, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền và tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Năm 2013, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã có 39 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư ngành dược phẩm Việt Nam. Trong đó, dự án sản xuất thuốc chiếm tỷ lệ cao, đạt 58,9% với 23 dự án.
Sự tăng trưởng đầu tư vào ngành dược được xem là quá nhanh, nên đã có không ít lo ngại khối ngoại sẽ "độc chiếm" thị trường ngành dược Việt Nam. Cùng với các nhà máy được khối ngoại đầu tư, nhiều tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài cũng đã du nhập thị trường Việt Nam.
Điển hình như Diethelm Keller Siber Hegner (DKSH - Thụy Sĩ), với 20 văn phòng đại diện, hơn 230 nhà cung ứng quốc tế và nội địa, đạt 147.000 giao dịch mỗi tháng. DKSH cung cấp dịch vụ cho hơn 250 khách hàng lớn và phục vụ nhu cầu cho 138.000 khách hàng thường xuyên.
Hay Megalife Science (Mega We Care - Thái Lan), 100% vốn nước ngoài với các sản phẩm chính hãng được sản xuất tại Thái Lan và Úc, đã có mảng phân phối dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam với doanh thu chiếm khoảng 5% thị phần trong nước...
Có thể thấy, phân khúc thuốc đặc trị, chuyên khoa với giá trị cao hoàn toàn do các DN nước ngoài chiếm lĩnh. Trong khi khối DN trong nước chỉ sản xuất dòng thuốc bình dân, có giá trị thấp.
Ông Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc Công ty Savipharm, cho biết, ngành công nghiệp dược Việt Nam hiện có 129 DN đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, trong đó có ba nhà máy đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP (Savipharm, Stada và Pymepharco).
Sản lượng thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 50% nhu cầu cả nước. Tuy nhiên, trước các DN FDI, ngành dược Việt Nam cũng phải chấp nhận cạnh tranh với ngành dược phẩm các nước ASEAN.
Hồi phục sau tái cấu trúc
Vừa qua, IMS Health (nhà cung cấp dữ liệu dược phẩm khá thông dụng), dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu của nhóm các quốc gia mới nổi, giai đoạn 2013 - 2018, có xu hướng chậm lại, với mức tăng trưởng bình quân từ 11% - 14% (trước đây là 23% giai đoạn 2008 - 2012).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng đứng thứ hai trong nhóm 17,5%. Nhưng liệu các thương hiệu thuốc nội có cạnh tranh lại thuốc ngoại khi tỷ lệ sử dụng thuốc bình quân đang nghiêng về thuốc ngoại? Đây là nỗi lo của cả các thương hiệu lớn của dược phẩm nội địa như: Dược Hậu Giang, Imexpharm, Domesco, Traphaco, Pymepharco, Bidiphar, Mekophar...
Điểm qua một số nhà máy do các công ty dược Việt Nam đầu tư, rõ ràng đã xuất hiện xu hướng cạnh tranh mạnh mẽ với kế hoạch mở rộng thị trường theo chiều sâu, gồm cả lĩnh vực Đông dược và Tây dược.
Báo cáo tại đại hội cổ đông ngày 27/3, Công ty TNHH Traphaco (TRA) cho biết, đã nhận bàn giao đất đợt 2 và hoàn thành san lấp, xây tường rào giai đoạn 2 cho dự án Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên.
Tổng mức đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sản xuất dược Việt Nam được điều chỉnh từ mức 300 tỷ đồng lên 420 tỷ đồng. Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT TRA, tại Sapa, TRA cũng đang tập trung xây dựng nhà máy với quy mô 1 triệu USD, nhằm phát triển sản phẩm chủ lực về Đông dược.
Tính đến quý I/2015, Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG) vẫn đang là DN khối nội dẫn đầu về sản lượng và thị phần trong nhóm các công ty dược nội địa trong 5 năm qua. Nếu tính cả DN nước ngoài, Dược Hậu Giang hiện nằm trong Top 3 DN đứng đầu với thị phần 2,4%, xếp sau hai tập đoàn lớn là Sanofi (3,5% thị phần) và GlaxoSmithKline (3,2% thị phần).
Dược Hậu Giang hiện có hệ thống phân phối với 12 công ty con, 24 chi nhánh, 68 quầy thuốc - nhà thuốc tại các bệnh viện. Dự kiến, DN này tiếp tục mở rộng hệ thống, cùng với lợi thế từ hai nhà máy vừa được đưa vào hoạt động 2014 sẽ giúp DHG cạnh tranh trên sân nhà.
Nhóm các DN đầu tư bài bản vào khâu nghiên cứu, sản xuất như Traphaco và Imexpharm sẽ là tâm điểm đầu tư trong năm 2015 nhờ sự hồi phục sau giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ.
Dù chưa tiết lộ nhiều về sức cạnh tranh của nhà máy do Công ty CP Dược phẩm An Thiên đầu tư tại TP.HCM, có vốn đầu tư 330 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2015, nhưng ông Trần Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐQT An Thiên, cũng cho hay, với nhà máy này, An Thiên mở rộng hai phân khúc Đông dược và Tây dược và chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các hãng dược ngoại.
>> Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga: “Tôi vô sản tại Dược Hậu Giang”
Theo Duy Khuê