DN được lợi gì khi dỡ bỏ trần quảng cáo 15%?
Tổng Công ty Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ðủ tiềm lực ðể bung ra các chương trình quảng cáo lớn. Nhưng chính quy định trần 15% chi phí quảng cáo trên tổng chi phí phát sinh đã khiến Sabeco luôn ở vào thế làm liều khi quyết định xét duyệt chi phí quảng cáo.
Cách đây gần một năm, Chủ tịch Phan Đăng Tuất của Công ty từng gay gắt phản đối quy định này. “Năm nay, chúng tôi cần 40% chi phí quảng cáo để tấn công thị trường. Nhưng năm sau có thể sẽ không dùng nhiều đến vậy. Mức trần này đang trói tay các doanh nghiệp”, ông từng chia sẻ.
Không chỉ có vậy, dù mức trần 15% này phát sinh trong năm nay, nhưng phải đến hết quý I năm kế tiếp doanh nghiệp mới biết chi phí phát sinh dành cho quảng cáo của năm trước là bao nhiêu. Vì thế, nhiều doanh nghiệp sau khi quyết toán mới biết chi phí quảng cáo vượt quá mức 15% quy định và bị phạt. Không ít doanh nghiệp lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm đã bị phạt vì quy định này.
Thực tế, đây cũng chính là lý do vì sao những doanh nghiệp ngoại như Samsung hay Coca Cola không bao giờ đầu tư làm quảng cáo tại Việt Nam. Chi phí mỗi mẫu quảng cáo của các hãng này có khi lên tới cả triệu USD, nhưng đều được sản xuất ở nước ngoài và đưa về phát sóng ở Việt Nam. Còn các doanh nghiệp nội phải chấp nhận chi “lố” và chờ nộp phạt.
Từ những bất cập như vậy, từ ngày 1/1/2015, mức trần khống chế 15% đối với tất cả các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại của doanh nghiệp đã chính thức được gỡ bỏ.
Đây rõ ràng là một tin vui đối với tất cả các doanh nghiệp, bởi quyết định này sẽ giúp họ chủ động tính toán chi phí quảng cáo và tự do giới thiệu sản phẩm trên phương tiện truyền thông mà không bị hạn chế.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà ngay cả doanh nghiệp nước ngoài cũng rất hồ hởi trước sự kiện này. Trong buổi trò chuyện giữa cộng đồng doanh nghiệp Nhật - Việt, nhiều doanh nghiệp bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm tỏ vẻ hài lòng trước quyết định trên.
"Dù doanh nghiệp nước ngoài có thể dựa vào công ty mẹ để quảng cáo, nhưng ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng khi sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Việc gỡ trần là cần thiết và sẽ thu hút đầu tư từ nước ngoài hiệu quả hơn”, đại diện một doanh nghiệp Nhật chia sẻ.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu được Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội đưa ra, việc sử dụng các công cụ quảng cáo sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn hơn; đồng thời giảm được khoảng 5% giá thành.
Vì mức áp trần quảng cáo, nhiều doanh nghiệp trong nước bị khống chế nên không dám mạnh tay quảng cáo, khuyến mãi và bị ảnh hưởng rất nhiều từ chính sách này. Còn các doanh nghiệp ngoại lại có thể lách luật bằng cách dựa vào công ty mẹ ở nước ngoài.
Cần phải nói thêm rằng, trong Luật doanh nghiệp ra đời năm 2007, quy định đã áp trần chi phí quảng cáo của doanh nghiệp là 10% tính trên tổng chi phí khấu trừ.
Sau đó, trong luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung, chi phí quảng cáo đã được nới trần từ 10% lên 15%. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản đối vì mức 15% vẫn chưa cởi trói cho họ trong quá trình hoạt động quảng cáo.
Thực tế, quy định này ra đời đã khiến cho nhiều doanh nghiệp bị mắc kẹt không thể tăng chi phí quảng cáo như mong muốn, nhất là đối với những sản phẩm mới khó tiếp cận khách hàng.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc khống chế mức chi phí tiếp thị và quảng cáo. Tuy nhiên, Trung Quốc lại áp dụng một hình thức linh hoạt hơn là chỉ khống chế mức trần chi phí quảng cáo 15% trên tổng doanh thu hàng năm; và doanh nghiệp được chuyển hạn mức này sang năm kế tiếp nếu không dùng hết trong năm nay.
Còn Việt Nam lại áp trần 15% trên tổng chi phí được khấu trừ và bao gồm tất cả các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hội nghị… Theo bà Loan, chính sách áp trần quảng cáo như Việt Nam sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ quy định trần quảng cáo vì việc này sẽ càng giúp doanh nghiệp ngoại cạnh tranh gay gắt hơn nữa trước doanh nghiệp nội.
Theo đại diện một công ty đa quốc gia (không muốn nêu tên), chuyện quảng cáo không phải là yếu tố quyết định làm nên tên tuổi sản phẩm.
Vị này nêu ví dụ, Công ty sữa Vinamilk của Việt Nam dù chỉ bỏ tiền vào quảng cáo sữa theo quy định trần 15% nhưng vẫn đánh bật các công ty sữa nước ngoài; hay một số doanh nghiệp khác như Tân Hiệp Phát, ICP nhờ sản phẩm đột phá nên quảng cáo vừa đủ vẫn giành chiến thắng trên thị trường.
“Các doanh nghiệp nội đủ thông minh để không vung tiền quảng cáo một cách lãng phí. Bỏ trần quảng cáo nhiều khi sẽ lại có lợi cho doanh nghiệp ngoại”, vị này nhận xét.
Dù sao đi nữa, quyết định gỡ trần quảng cáo là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới, khi Việt Nam mở cửa nhiều thị trường cho nước ngoài.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, việc đẩy mạnh chi phí quảng cáo là cần thiết để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, nhất là trong thời điểm cạnh tranh sắp tới khi ASEAN+1 đến gần.
Còn ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny, phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, thì cho rằng nhiều doanh nghiệp ngoại sang Singapore, Thái Lan để làm quảng cáo để phục vụ cho thị trường Việt Nam.
Ngân sách chi cho quảng cáo dạng này rất lớn. Vì thế, khi Việt Nam bỏ áp trần chi phí quảng cáo, các hợp đồng này sẽ được làm trong nước và giúp thu về thêm ngoại tệ.
>> Dỡ trần khống chế chi quảng cáo, khuyến mãi
Theo Thanh Hương