Dịch vụ dẫn đường: Sắp hết thời ai làm cũng được!

27/11/2013 09:51 AM |

Du lịch bằng đường bộ giữa các quốc gia đang khá thịnh hành, nhất là hình thức du lịch caravan, các đoàn ôtô, môtô du lịch bằng đường bộ ở khu vực ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Campuchia...)

Nội dung nổi bật:

- Du lịch bằng đường bộ giữa các quốc gia đang khá thịnh hành, nhất là hình thức du lịch caravan, các đoàn ôtô, môtô du lịch bằng đường bộ ở khu vực ASEAN. Trong khi đó tại Việt Nam loại hình dịch vụ này còn phát triển mang tính tự phát.

- Một số công ty bảo vệ đã tự đứng ra làm dịch vụ dẫn đường bằng môtô cho đoàn khách du lịch, bảo vệ lộ trình cho khách VIP (nhân vật nổi tiếng, ngôi sao điện ảnh/ca nhạc...) đến Việt Nam

- Hiện chưa có quy định chính thức về điều kiện tổ chức lực lượng dẫn đường cũng như chưa có loại hình dịch vụ hộ tống – dẫn đường. Trong khi đó đối với khách du lịch nước ngoài, an toàn phải là yếu tố hàng đầu và họ sẽ yên tâm hơn khi được dẫn đường suốt lộ trình.



Du lịch bằng đường bộ giữa các quốc gia đang khá thịnh hành, nhất là hình thức du lịch caravan, các đoàn ôtô, môtô du lịch bằng đường bộ ở khu vực ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Campuchia...) 

Ngoài ra, hàng năm vẫn có các đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam tham gia các sự kiện quốc tế về văn hoá, du lịch, thể thao. Do đó, đã đến lúc Việt Nam hình thành dịch vụ hộ tống – dẫn đường chuyên nghiệp.

Bắt đầu từ cuối tháng 12.2013, các đoàn khách du lịch nước ngoài và công ty du lịch lữ hành quốc tế khai thác du lịch caravan sẽ phải tuân thủ “Quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch” theo nội dung nghị định 152/2013/NĐ-CP. Các đoàn khách du lịch bằng ôtô, môtô khi tham gia giao thông phải có văn bản chấp thuận của bộ Giao thông vận tải, phải đạt một số điều kiện về giấy đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, phương tiện dẫn đường...

Phải có xe dẫn đường

Trong một số sự kiện quan trọng cần đến lực lượng dẫn đường nhưng do không nằm trong danh sách ưu tiên dẫn đường nên ban tổ chức sự kiện không thể nhờ đến ngành công an. Do đó, thị trường đã hình thành một “khoảng trống” do chưa có quy định chính thức về điều kiện tổ chức lực lượng dẫn đường cũng như chưa có loại hình dịch vụ hộ tống – dẫn đường.

Trên thực tế, một số công ty bảo vệ hoặc công ty du lịch cũng tự đứng ra tổ chức dẫn đường do thị trường có nhu cầu. Tuy nhiên, do các lực lượng này không có chuyên môn, kinh nghiệm về hộ tống – dẫn đường nên đã xảy ra một số sự cố.

Trong mấy năm qua, một số công ty bảo vệ đã tự đứng ra làm dịch vụ dẫn đường bằng môtô cho đoàn khách du lịch, bảo vệ lộ trình cho khách VIP (nhân vật nổi tiếng, ngôi sao điện ảnh/ca nhạc...) đến Việt Nam. Họ làm dịch vụ này không có giấy phép hộ tống – dẫn đường, không đăng ký lộ trình với cảnh sát giao thông. Đồng thời, các công ty này cũng không hề có kinh nghiệm bảo vệ lộ trình – dẫn đường.

Ông Ngô Quang Vinh, hội trưởng hội Môtô TP.HCM, phó chủ tịch Liên đoàn môtô – xe đạp TP.HCM nói: “Từ ngày 25.12 tới, theo quy định mới thì các đoàn khách nước ngoài khi du lịch vào Việt Nam phải có phương tiện dẫn đường. Hiện tại, theo tôi nghĩ đã có một lực lượng hội đủ các điều kiện chuyên môn, phương tiện, con người để thực hiện nhiệm vụ dẫn đường cho các đoàn khách du lịch nước ngoài. Đó là các Liên đoàn môtô – xe đạp ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…”

Theo ông Vinh, hội Môtô TP.HCM cũng như các Liên đoàn môtô – xe đạp địa phương đã có tư cách pháp nhân nên việc ký hợp đồng với các công ty du lịch lữ hành quốc tế, công ty tổ chức sự kiện… không có gì khó khăn... Hội Môtô TP.HCM đã từng đứng ra bảo vệ lộ trình cho các đoàn khách quốc tế, sự kiện thể thao trong nước...

Mới đây, hội Môtô TP.HCM cũng vừa bảo vệ lộ trình an toàn cho đoàn caravan Ấn Độ – ASEAN với hơn 30 xe tại TP.HCM.

Những điều kiện cần

Theo ý kiến của một giám đốc công ty du lịch dã ngoại ở TP.HCM, cần có lực lượng dẫn đường chuyên nghiệp hoặc ngành công an phải hỗ trợ cho ngành du lịch trong việc dẫn đường cho các đoàn khách nước ngoài. Nhà nước có thể đưa ra quy định giúp cho các câu lạc bộ môtô chuyên nghiệp ở địa phương làm nhiệm vụ dẫn đường có thu phí đối với các đoàn khách du lịch, sự kiện văn hoá – thể thao.

Theo ông Lý Việt Cường, giám đốc công ty Nam Phương Tourist (tổ chức tour caravan), cần có phương án đảm bảo an toàn cho các đoàn khách du lịch caravan từ nước ngoài vào Việt Nam (inbound). Đối với khách du lịch nước ngoài, an toàn phải là yếu tố hàng đầu và họ sẽ yên tâm hơn khi được dẫn đường suốt lộ trình. Việc đảm bảo an toàn cho hành trình caravan sẽ bao gồm chuẩn bị lộ trình các điểm đến/dừng chân, phương pháp dẫn đoàn, phương án dự phòng…

Còn đối với các đoàn caravan từ trong nước ra nước ngoài (outbound), các công ty du lịch chuyên làm caravan trong nước đủ điều kiện đảm trách việc dẫn đường khi tham gia giao thông. Khi qua đến nước bạn đã có đối tác nước ngoài hỗ trợ cùng lực lượng cảnh sát du lịch dẫn đường. Nam Phương Tourist đã từng tổ chức tốt nhiều chuyến caravan trong nước và đi đến một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia...

Ông Đỗ Minh Hồ Hải, quản trị diễn đàn otosaigon.com nhận xét, dịch vụ hộ tống – dẫn đường cho đoàn caravan ở các nước quanh ta như Thái Lan, Campuchia hoặc Lào rất tốt.

Cảnh sát du lịch ở các quốc gia lân cận luôn có sự phối hợp tốt với công ty du lịch trong suốt quá trình dẫn đường. Họ đảm bảo lộ trình, tốc độ dẫn đoàn, điểm dừng chân... khiến cho du khách hài lòng nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc an toàn giao thông.

Một giám đốc chuyên làm du lịch caravan cho biết, vừa qua đã có một số trường hợp tự phát tổ chức chương trình caravan đi nước ngoài. Người đứng ra tổ chức do chưa đủ thông tin và kiến thức chuyên môn về du lịch lữ hành nên có thể xảy ra một số trục trặc hoặc thiệt hại cho thành viên trong đoàn.

Những quy định mới về du lịch bằng đường bộ trong nghị định 152 tạo ra một “hàng rào kỹ thuật” cần thiết để xây dựng tiêu chuẩn du lịch caravan; hạn chế việc một số đơn vị không đủ chuyên môn nhưng vẫn rao bán tour caravan.

Theo CHÍ THỊNH

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM