Đề xuất 'nhập tàu cũ' bị Bộ NN&PTNT bác: Đại gia sẽ sang... Indonesia đầu tư!

19/08/2014 09:21 AM |

"Tôi tin tưởng, dự án của công ty chúng tôi là khả thi, nếu không được các cơ quan nhà nước chấp thuận, chúng tôi sẽ sang đầu tư ở Indonessia” - ông Trí cho biết.

13/14 tàu cá vỏ thép mà Công ty CP Tập đoàn Thuỷ hải sản Trí Việt (Công ty Trí Việt) có ý định nhập về để phục vụ ngư dân khai thác hải sản trên biển đã quá 15 năm sử dụng, nhiều tàu được đóng từ những năm 1978, 1982… Đề xuất của Trí Việt đã bị Bộ NN&PTNT bác.

Cho nhập tàu cũ, Việt Nam sẽ thành… bãi rác tàu bè

Văn bản mới nhất của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng nêu rõ quan điểm của Bộ NN&PTNT về đề xuất của 2 doanh nghiệp là Công ty Trí Việt và Công ty Đức Khải là không chấp thuận việc nhập tàu cá vỏ thép quá cũ theo tờ trình của 2 công ty này. Cụ thể, Bộ NN&PTNT cho biết, trong tờ trình của Công ty Trí Việt, có 13/14 tàu có đã trên 15 năm tuổi, 1 tàu 12 năm, đặc biệt nhiều tàu đóng từ năm 1978, 1982, đã trên 30 năm hoạt động là không đúng quy định.

Trao đổi với PV, ông Đào Hồng Đức – Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết: “Hiện Tổng cục Thuỷ sản mới nhận được đề xuất xin nhập tàu cũ của 2 công ty giúp cho ngư dân khai thác cá trên biển. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ, Bộ NN&PTNT đã không đồng ý cho 2 công ty này nhập khẩu tàu vì tàu đã trên 8 tuổi”. Ông Đức nói rõ: Theo quy định tại Nghị định 52, 53, những tàu cũ đã trên 8 tuổi không được phép nhập khẩu, trong đó có những tàu cá có mã lực 400CV.

“Nếu hồ sơ của các công ty gửi đảm bảo quy định, thì chúng tôi đồng ý thực hiện, còn không đủ điều kiện, chúng tôi trả lời rõ là không đạt yêu cầu. Bất cứ công ty nào nếu thực hiện đúng quy định, đều được chấp nhận, chứ không riêng trường hợp của 2 Công ty Trí Việt và Đức Khải” - ông Đức nói. Về chất lượng tàu, ông Đức cho biết: “Cần phải kiểm định mới biết được. Trên tinh thần là có hồ sơ, có văn bản và đảm bảo yêu cầu thì tiến hành kiểm định, nếu đủ điều kiện mới được phép nhập khẩu”.

Ông Trần Cao Mưu – Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: “Theo đề xuất của các doanh nghiệp này, tôi thấy giá mỗi tàu có thể lên tới 10 tỷ đồng, thực ra tàu cũ ở các nước không đáng bao nhiêu tiền. Nếu chấp thuận cho các công ty này nhập khẩu tàu cũ về thì chẳng khác nào biến nước ta thành bãi rác tàu bè”. Ông Mưu cũng đặt câu hỏi: “Nếu nhập khẩu, phần lớn vốn là vay của ngân hàng, mà trong Nghị định 67 tôi thấy không có mục nào cho các doanh nghiệp vay vốn nhập tàu cũ”.  

Ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cũng cho biết: “Bộ mới nhận được tờ trình của 2 doanh nghiệp gửi lên. Doanh nghiệp có văn bản hỏi thì chúng tôi có văn bản trả lời. Mọi việc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật”.

Không được chấp thuận, sẽ sang... Indonesia đầu tư!

Ngay sau khi nhận được văn bản của Bộ NN&PTNT bác đề xuất nhập tàu vỏ thép cũ, chiều qua 18.8, ông Trần Văn Trí- Chủ tịch HĐQT Công ty Trí Việt đã trần tình với PV.

Ông Trí cho biết: “Tôi tán thành với chủ trương của Bộ NN&PTNT là không cho phép nhập tàu vỏ thép trên 8 tuổi, vì nhập về khi khai thác, đánh bắt xa bờ sẽ không khả thi khi do độ tuổi của tàu đã cao. Còn với tàu có độ tuổi 25- 30 tuổi thì thực tế qua tìm hiểu của tôi, ở Nhật Bản họ còn “cho không”, mình chỉ mất 4.000 USD công vận chuyển về nhưng mang “thép vụn” về thì để làm gì?”.

Thế nhưng, không hiểu sao trước đó chính trong tờ trình của ông Trí lại xin nhập những loại tàu đã có độ tuổi quá hạn sử dụng này. Điều này thì ông Trí không nói.

Về ý định đóng mới và nhập tàu vỏ thép cho ngư dân, ông Trí cho biết, qua làm việc với đối tác là Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc), đã xác định được 20 tàu vỏ thép cũ (dưới 8 tuổi), đủ điều kiện theo quy định của Nghị định 52 và 53. Dự kiến, loại tàu này có giá 300.000 USD/chiếc.

“Nếu được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận, chúng tôi sẽ triển khai nhập ngay 20 tàu trong năm 2014, trong đó có 18 tàu khai thác và 2 tàu dịch vụ hậu cần. Tôi tin tưởng, dự án của công ty chúng tôi là khả thi, nếu không được các cơ quan nhà nước chấp thuận, chúng tôi sẽ sang đầu tư ở Indonessia” - ông Trí cho biết.

Ông Trí cũng cho biết, Trí Việt dự kiến bỏ ra 30% phần vốn đầu tư và sẽ đàm phán với đối tác Hàn Quốc tham gia liên kết đầu tư cùng với vay ngân hàng mức 50 – 70%, nhưng cũng có thể Hàn Quốc sẽ đầu tư 50 – 70% hoặc không cần vay ở ngân hàng của Việt Nam.

Nói vậy, nhưng trong chính tờ trình số 07 ngày 9.7.2014 về việc xin nhập và đóng mới 220 tàu vỏ thép do chính mình ký gửi Chính phủ và các bộ, ngành, Công ty Trí Việt lại đề nghị cho công ty vay nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67 để nhập và đóng mới 220 tàu vỏ thép. Phải chăng, vì bị Bộ NN&PTNT bác đề xuất nên ông Trí mới nói vậy?

>> Chồng cựu “đại gia” Diệu Hiền muốn đóng tàu thép, nhập máy bay 

Theo Thanh Xuân

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM