Đầu tư vào Myanmar: Đừng theo kiểu “lướt ván”

02/07/2013 08:02 AM |

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang ồ ạt đua tranh cùng các nước khác đầu tư vào “mỏ vàng” Myanmar. Thị trường này được xem là cửa thoát của nhiều DN sản xuất khi tình hình tiêu thụ trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu khác đều sụt giảm, hàng tồn kho cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những DN đầu tư đàng hoàng, quy mô chiến lược lâu dài thì có nhiều DN Việt đầu tư kiểu hời hợt, “lướt ván”, không biết giữ gìn uy tín, thương hiệu. Hậu quả là người tiêu dùng Myanamar đã có dấu hiệu mất tin tưởng vào hàng Việt, DN Myanmar thì trở nên dè chừng hơn khi hợp tác với DN Việt.

Tự hại mình

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Myanmar, cho biết: “Nhờ những DN tiên phong từ nhiều năm trước như Lioa, Điện Quang… mà nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của Việt Nam hiện nay rất được người Myanmar ưa chuộng vì chất lượng và giá rẻ như kim khí điện máy (bóng đèn điện quang), thực phẩm chế biến, gia dụng (nhựa Chợ lớn, Đại Đồng Tiến…), hàng may mặc (Công ty May 10, Việt Tiến, Thắng lợi, Nhà Bè…).

Hàng may mặc của các công ty uy tín trong nước được thị trường Myanmar ưa chuộng vì chất lượng và giá rẻ. Ảnh: HTD

Nhưng giờ đây đã có dấu hiệu người tiêu dùng Myanmar đang quay lưng với hàng Việt. Nguyên nhân là do nhiều DN Việt đầu tư sang Myanmar kiểu “ngon thì làm, khó thì bỏ”. Họ cứ nghĩ rằng Myanmar mới mở cửa trở lại, hàng hóa ít, kiểm tra chất lượng không chặt nên lấy hàng ế, hàng kém chất lượng đem sang bán. Số khác thì lúc đầu xuất sản phẩm tốt, sau thay nguyên liệu rẻ tiền bán giá rẻ hơn để cạnh tranh. Tất cả đều tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng”.

Ngoài sự mất uy tín thì nguy cơ mất thương hiệu quốc gia là rất đáng báo động. Hiện nay, một số DN Việt Nam không biết cách đầu tư hoặc họ chỉ muốn đầu tư khi cần thiết, không trực tiếp bán sản phẩm sản xuất tại Việt Nam mà bán thông qua DN Myanmar, cho phép DN đó thay bằng thương hiệu Myanmar. Có DN còn lợi dụng sự ưa chuộng hàng Việt của người dân Myanmar, mua nguyên liệu rẻ từ Trung Quốc chế biến dán nhãn hiệu Việt hoặc là lột nhãn hàng Trung Quốc thay bằng nhãn Việt Nam”.

Theo ông Cường, cách tiếp cận thị trường Myanmar của DN Việt Nam chưa bài bản. Chỉ khi nào tình hình tiêu thụ trong nước ế ẩm, hàng tồn kho không bán được, DN mới tìm cách liên hệ với Thương vụ Việt Nam ở Myanmar tỏ ý muốn đưa hàng sang nhằm giải phóng hàng tồn. Rất ít DN có phòng trưng bày sản phẩm, kho bãi trữ hàng lớn tại đây. Và nếu còn tiếp cận thị trường kiểu bị động này thì rất khó để DN Việt Nam tiêu thụ hàng hóa, không chỉ ở Myanmar mà còn ở những thị trường khác.

“Cơ hội rất nhiều nhưng DN có biết làm, biết chớp thời cơ hay không mới là quan trọng. Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và nhiều nước khác đang vượt mặt Việt Nam tại thị trường này” - ông Cường nhấn mạnh.

Cạnh tranh bằng chất lượng

Tình trạng trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh cũng như uy tín của những DN Việt làm ăn chân chính.

Đại diện một DN xuất khẩu hàng thực phẩm sang Myanmar chia sẻ: “Thấy kiểu làm ăn chụp giật đó mà bực mình, họ cứ được chăng hay chớ có ngày cũng chết. Hiện người Myanmar đang hướng sang tiêu thụ hàng Thái Lan nhiều hơn vì chất lượng mà giá cũng hợp lý. “Hàng Thái Lan chiếm ưu thế nhờ có đường biên giới sát Myanmar nên giá nhiều mặt hàng rẻ hơn. Ngoài ra, hàng lậu từ Ấn Độ, Trung Quốc đang tuồn vào Myanmar rất mạnh, chiếm 2/3 lượng hàng hai nước này xuất khẩu qua đường chính ngạch. Vì vậy hàng Việt không thể cạnh tranh bằng giá rẻ mà phải bằng chất lượng và thương hiệu uy tín” - vị này chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Phụng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Citicom, cho biết có ba yếu tố khó khăn đối với DN muốn đầu tư bài bản tại Myanmar là chi phí khảo sát thị trường, vận chuyển và nhân lực cấp cao. Cụ thể là đường vận tải từ Việt Nam qua Myanmar phải qua nhiều nước làm chi phí hàng hóa bị đội lên, người Myanmar vốn có tính an phận, tay nghề còn thấp, nên khó kiếm nhân sự quản lý cấp cao…

Do đó, DN cần liên kết với đối tác kinh nghiệm tại thị trường này, chọn những sản phẩm thế mạnh và chú trọng chất lượng.

Theo nhận định của ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhu cầu tiêu thụ hàng hóa năm 2013 và cả năm 2014 sẽ tiếp tục sụt giảm do kinh tế thế giới cũng như trong nước còn khó khăn. Vì vậy thời gian tới các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần cập nhật thông tin thường xuyên về thị trường nước sở tại nhằm hỗ trợ DN mở rộng đầu tư và xuất khẩu.

Phía Chính phủ sẽ đẩy mạnh các hoạt động hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam tại Myanmar, tạo điều kiện thuận lợi để DN Việt mở cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm. Đồng thời, Chính phủ cũng đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp phép, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, tạo động lực thúc đẩy nguồn đầu tư của các DN Việt Nam sang đây.

Myanmar có nhu cầu nhập khẩu hơn 90%

Với dân số trên 60 triệu người, trong khi sản xuất trong nước hiện còn yếu kém nên Myanmar phải nhập khẩu hầu hết các yếu tố đầu vào của sản xuất như: sắt thép nhập trên 90%, xi măng 80%, máy móc thiết bị 95% và khoảng 90% các mặt hàng tiêu dùng.

Việt Nam có đến 20 mặt hàng xuất khẩu sang Myanmar như sắt thép, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, thực phẩm, đồ điện tử, văn phòng phẩm, đồ dùng gia đình…

Theo Quang Huy

duchai

Cùng chuyên mục
XEM