Cuộc chiến cải thiện chiều cao

07/11/2015 09:03 AM |

Nó là cuộc chiến lúc âm thầm trong từng gia đình, lúc ồn ào sau một thông báo của cơ quan nghiên cứu, rằng chiều cao của người Việt đang thua thế giới.

Cụ thể, chiều cao trung bình của đàn ông Việt Nam đang thấp hơn đàn ông thế giới 13cm và phụ nữ là 10cm. Cuộc chiến đó càng dữ dội, căng thẳng hơn với các gia đình sống ở thành phố, có điều kiện tiếp cận thông tin và chạy theo trào lưu.

Nhưng ai cũng rối trí, không biết phải làm gì với chiều cao khiêm tốn của những đứa trẻ thế hệ 9X đời cuối và đầu những năm 2000. Không cần cuộc điều tra nào, đến một trường học ở khu vực trung tâm thành phố là thấy ngay chiều cao trung bình ấy chẳng hề được cải thiện so với lớp 8X.

Một người chiến thắng đã kể câu chuyện chiến đấu để tăng trưởng chiều cao, nghe đơn giản bất ngờ mà không dễ dàng theo đuổi. Bất cứ đứa trẻ nào ở thành phố mà gia đình có chút điều kiện đều được chăm sóc chế độ ăn uống kỹ lưỡng. Trẻ em được cho tập luyện thể thao cũng không ít, nhưng kết quả chưa mấy khả quan. Vậy đáp số nằm ở đâu?

Cô bạn tôi có con trai cao 1m82 cười thách thức: "Bạn có dám cắt bỏ những giờ học thêm Toán, Văn, Anh văn khi con bạn đang học lớp 8, lớp 9 hoặc lớp 10?". Đó là những năm trẻ em Việt Nam bước vào tuổi dậy thì, cũng là lúc cường độ học thêm tăng vọt, với những buổi học trái khoáy vào lúc 17 giờ đến tận khuya, với bữa cơm trái giờ không ngon miệng, với giấc ngủ không đủ.

Người mẹ ấy đã cố gắng thay đổi bản thân, dành thời gian kèm con học đúng giờ tại nhà để con không bị đảo lộn sinh hoạt, có thêm thời gian tập luyện thể thao, ngủ đủ giấc.

Sau hai năm, cậu bé đã đạt chiều cao trung bình của thế giới là 1m75. Hai năm sau nữa, miệt mài tại phòng tập gym, cậu bé may mắn đã đạt chiều cao 1m81 và nặng 72kg. Người mẹ cười thỏa mãn và tự... giải phóng mình, thả con trở lại các lớp học thêm chuẩn bị cho kỳ thi đại học!

Tôi nghĩ câu chuyện của người mẹ này nên được đưa đến bàn nghị sự cải cách giáo dục, đưa mục tiêu giảm tải kiến thức hỗ trợ cho mục tiêu nâng cao thể chất cho một thế hệ mới như một nhiệm vụ cấp bách.

Một dân tộc với những thế hệ trẻ ở đô thị đã có đủ điều kiện được chăm sóc thể chất vẫn không cải thiện được chiều cao, cân nặng và sức khỏe toàn diện sẽ cho chúng ta một lực lượng lao động kém phẩm chất về cả trí tuệ lẫn năng suất lao động.

Đối diện với một thị trường lao động tự do trong ASEAN kể từ đầu năm 2016, và trong một tương lai không xa là thị trường lao động châu Á hoặc toàn cầu, làm sao người lao động Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước láng giềng như Trung Quốc hoặc Philippines. Không thể để mỗi gia đình tự đối mặt có ý thức hoặc vô thức với cuộc chiến nâng cao thể chất của con em họ.

Theo THIÊN THANH

Cùng chuyên mục
XEM