Cửa hàng 'một giá' và thủ đoạn bán 'rác thải' cho người dùng

17/12/2013 14:47 PM |

Khi bước chân vào những cửa hàng một giá nếu không tỉnh táo đồng nghĩa với việc tiêu tiền như bị mất cắp và tiếp theo đó là tự rước rác về nhà.

Chiêu “độc” nâng tầm cho hàng giá rẻ

Tại những tuyến phố chuyên tiêu thụ hàng bình dân như Cầu Giấy, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng... (Hà Nội) những cửa hàng treo biển một giá, đồng giá “mọc” lên nhan nhản. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, hầu hết những mặt hàng này chủ yếu là quần áo, đồ gia dụng. Khách hàng là sinh viên, dân văn phòng và người có thu nhập trung bình.

Theo chia sẻ của chị T. Thanh, một nhân viên bán hàng thuê cho một shop chuyên kinh doanh quần áo một giá trên tuyến phố Tây Sơn thì, hình thức bán quần áo một giá không còn mới mẻ nhưng vẫn đem lại lợi nhuận cao cho chủ hàng. Bởi, bán hàng, kích cầu như thế nào là cả một nghệ thuật.

Cũng theo chị T. Thanh: “Hiện tại, tôi đang bán hàng theo hình thức khoán sản phẩm. Với doanh số trên 40 sản phẩm/ngày người bán sẽ được hưởng thêm % hoa hồng từ 200.000 – 300.000 đồng. Thông thường với những mặt hàng mùa hè, có mức đồng giá 65.000 – 90.000 đồng/sản phẩm thì rất dễ bán. Hàng thu đông có mức giá phổ biến là 99.000 – 150.000 đồng/sản phẩm tiêu thụ cực nhanh.
Tất cả đều có nhãn mác là các hãng nổi tiếng nhưng thực ra, chủ hàng lấy hàng Tàu giá rẻ ở chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) về bán. 

Chủ hàng được người ta chuyển hàng đến tận nhà, đổ đống và sau đó ông chủ thuê nhân viên gia công, gắn mác các thương hiệu... Ngoài ra, chủ hàng còn tận dụng nguồn vải siêu rẻ ở Ninh Hiệp, thuê may gia công, nhái theo những mẫu mã thời thượng”.

Cửa hàng 'một giá' và thủ đoạn bán 'rác thải' cho người dùng
Những cửa hàng quần áo một giá xuất hiện nhiều trên các tuyến phố Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng.

Tận mắt thấy đống hàng quần áo Tàu thải loại ở Ninh Hiệp, tôi thấy rằng, các cửa hàng một giá tha hồ mà “mọc” ra cũng không hết nguồn hàng, không khan hàng được. Theo ông chủ tên Trường, một ngày, Ninh Hiệp nhận vài nghìn tấn hàng Tàu, trong đó có quần áo đã may sẵn và vải loại. Giá nhập về rẻ đến bất ngờ, chỉ 15.000 – 20.000 đồng/sản phẩm. Vải loại thì chỉ vài nghìn đồng/mét.

Từ đây, những loại hàng rác này được các chủ hàng chuyển bằng ô tô đi đến những cửa hàng ở nội thành Hà Nội, các tỉnh lân cận... Tưởng tôi là người đến tìm hiểu nguồn hàng để mở đại lý, ông Trường “mách nước” như sau: “Cứ lấy hàng loại về, giặt, hấp, tẩy sạch. Sau đó, mua các phụ kiện, mác của các hãng đồ nổi tiếng, gắn vào là thành hàng độc quyền, hàng của hãng có tên tuổi nhưng là hàng loại, bán chạy vô cùng”.

Cũng theo ông Trường, ngoài “độc chiêu” trên, nhiều chủ cửa hàng còn mua vải, đặt hàng nhái ở các nhà may bình dân, về gắn mác công ty, thương hiệu, bán theo dạng hàng loại, hàng lỗi không xuất khẩu được... cũng kiếm nhiều hơn là bán hàng đẳng cấp. Vì lượng bán nhiều, nhất là giới sinh viên, dân thu nhập trung bình ưa chuộng.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, các chủ cửa hàng có chiêu độc, chỉ treo một vài mẫu hàng chuẩn trước cửa hàng và mặc cho ma nơ canh để câu khách, còn lại những mẫu bên trong hầu như đều thuộc hạng chất lượng bát nháo.

Nghịch lý mua nhiều để... bù lỗ

Hiểu được tâm lý khách hàng là mua nhiều hàng rẻ, không dùng đến, có thể bỏ, cho... nên nguồn hàng của các cửa hàng một giá lúc nào cũng dồi dào. Nhiều cửa hàng còn kích cầu bằng cách, vào mỗi dịp lễ tết, họ “tung” ra những chiến dịch như mua 2 tặng 1 hay mua 3 trả tiền 2 để tăng sức mua nên khiến nhiều khách hàng choáng ngợp mà vung tay quá trán. Nhiều người đến khi mang được đồ về tới nhà mới tá hỏa sau khi kiểm định chất lượng.

Chị Ngọc Anh (ngõ 233 Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Một bộ hộp nhựa lock and lock gồm 3 chiếc tại các siêu thị sau khi giảm có giá, không dưới 350.000 đồng. Thế mà, mặt hàng “cao cấp” này khi được bày bán cùng các mặt hàng đồng giá thì có mức siêu rẻ, chỉ dừng ở mức 99.000 đồng/bộ. Thế nhưng nó được chào mời là nguồn “hàng kín”, nhờ người quen ở công ty đưa ra ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi “trực tiếp kiểm định” chỉ với mắt thường thôi, bất kỳ ai cũng nhận ra thứ nhựa để sản xuất của cùng một món đồ, giá chênh lệch đó cực kỳ khác nhau. Đồ rẻ, nó hơi đục về nguyên liệu, còn ưu điểm hút khí chân không hay kín hơi tuyệt đối khi đậy nắp cũng không được đảm bảo đúng độ chuẩn như quảng cáo.

Cửa hàng 'một giá' và thủ đoạn bán 'rác thải' cho người dùng
Đồ gia dụng có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/sản phẩm khá hút khách.

Tuy nhiên, một bộ phận khách hàng mặc dù biết rất rõ chất lượng thực sự của những nguồn hàng này nhưng vì tham rẻ lại kèm thêm tâm lý “thích thì mua, hỏng thì bỏ đi” cũng không cảm thấy quá tiếc.
Tại một cửa hàng đồng giá 10.000 đồng/sản phẩm tuyến phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), chuyên cung cấp đồ gia dụng đã gây ấn tượng với khách hàng bằng mức giá hấp dẫn trên bảng chữ khá bắt mắt. Nguồn hàng phong phú từ các loại đồ nhựa, bát đĩa đến mỹ phẩm...

Cũng nhờ việc có nhiều kênh để nhập hàng nên những cửa hàng một giá như thế đều ít nhiều có sự biến tướng để câu khách. Để thúc đẩy việc tiêu thụ hàng, nhiều cửa hàng bày bán thêm những mặt hàng mang tính phá giá so với quảng cáo.

Với hình thức kinh doanh biến tướng này thì những mặt hàng nhập nhèm chỉ là mồi câu để khách hàng nẩy sinh tâm lý so sánh và điều tất yếu sẽ lựa chọn mặt hàng chất lượng hơn cho dù giá không hề đổ đồng chút nào.

Chị Mỹ - chủ một cửa hàng đồ gia dụng trên phố Tây Sơn (Hà Nội) lấy ví dụ: Các mặt hàng đồ gia dụng đồng giá 20.000 đồng/sản phẩm của mình ở đây hầu hết đều là đồ nhựa nhái các thương hiệu đẳng cấp như lock and lock tuy nhiên chất lượng sản phẩm chỉ cần nhìn qua đã thấy sự chênh lệch. Vì thế khi mua hàng giá rẻ nhưng thực chất khi thanh toán đơn hàng lên tới tiền triệu mà chưa chắc chất lượng đã khiến khách hàng hài lòng.

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM