CSGT được quyền trưng dụng tài sản từ hôm nay, 15/2
Từ ngày 15/2, thông tư 01 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn… của cảnh sát giao thông chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư 65 ban hành ngày 30/10/2012.
Theo đó, cảnh sát giao thông có quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trước khi Thông tư 01 của Bộ Công an có hiệu lực, nhiều người dân, chuyên gia đã có ý kiến phân tích và bày tỏ lo ngại về quy định này.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng điều này có thể bị kẻ mạo danh cảnh sát giao thông lợi dụng, trong khi người dân không biết phân biệt "người thật, người giả" thế nào.
Hoặc nếu CSGT trưng dụng tài sản thì việc bảo mật thông tin cá nhân của anh sẽ không được đảm bảo, chưa kể còn có thể làm gián đoạn liên lạc gây ảnh hưởng công việc rồi lỡ các cơ hội khác của anh.
Một số ý kiến cho rằng, nếu cần thiết, Bộ Tư pháp căn cứ vào quyền hạn của mình trong việc kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bãi bỏ, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quy định của thông tư này.
Trước ý kiến trái chiều của dư luận, ngay sau đó, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã làm việc với Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp để cân nhắc tính hợp hiến, hợp pháp của Thông tư, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong ngày 14.2, trả lời báo giới, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đã có phản hồi mới nhất liên quan đến nội dung này. Theo đó, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, đồng tình với các ý kiến đóng góp của các chuyên gia pháp lý và công luận.
Bộ Công an cho rằng, trong Thông tư 01 có một điểm chưa được rõ ràng và đầy đủ, quyền trưng dụng thực hiện "theo quy định của pháp luật".
Bộ Công an cho biết, Thông tư 01 sẽ không đi ngược lại với những văn bản luật pháp hiện hành, với những nội dung trong Luật Trưng mua, Trưng dụng Tài sản năm 2008 (về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục...) và Luật Công an nhân dân năm 2014.
Lực lượng cảnh sát giao thông chỉ thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Những trường hợp cảnh sát giao thông được huy động, trưng dụng tài sản của người dân phải là trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.
Bộ Công an cũng đã có công văn gửi giám đốc công an các tỉnh, thành giải thích, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 01, đảm bảo không để xảy ra tiêu cực, gây bức xúc trong nhân dân, cũng như không để tình trạng cảnh sát giao thông lạm quyền.
Mới đây, trả lời báo giới, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho rằng, Thông tư 01 còn có quy định trái với pháp luật hiện hành. Cụ thể là Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 và Hiến pháp năm 2013 về quyền trưng dụng tài sản.
Thông tư chỉ quy định là CSGT được trưng dụng các loại phương tiện, thiết bị mà không quy định trường hợp nào thì được trưng dụng những tài sản đó của nhân dân.
Trong khi đó, Điều 32 Hiến pháp 2013 đã khẳng định, chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Nhà nước trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
Luật cũng quy định rõ chỉ những người có thẩm quyền bao gồm: Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình mới được quyền quyết định trưng dụng tài sản.