Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC: "Nhiều quốc gia có quy định về bình cứu hỏa trên ô tô"

09/01/2016 14:00 PM |

Trả lời phỏng vấn về việc nhiều người dân còn đang hồ nghi: chỉ Việt Nam mới có quy định về việc trang bị bình chữa cháy, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cho biết, có rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định về việc này.

Ngày 6/1, Thông tư 57/TT-BCA ngày 26/10/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực. Theo đó, quy định mới bắt buộc các phương tiện sẽ phải trang bị bình cứu hỏa (trọng lượng tùy loại xe).

Mặc dù Thông tư này đã được ban hành trước đó 2 tháng. Nhưng chỉ sau khi có hiệu lực và các lực lượng ra quân kiểm tra mới vấp phải nhiều vấn đề khi triển khai ngoài thực tế. Đặc biệt, không ít người cho rằng việc trang bị bình cứu hỏa là không cần thiết; Và, chỉ ở Việt Nam mới có quy định này.

Trả lời ICTnews về vấn đề này, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cho biết: Khi ban hành Thông tư chúng tôi đã tìm hiểu, tham khảo quy định ở nhiều nước trên thế giới. Có rất nhiều quốc gia đã có quy định về việc này.

Theo thống kê của Hội liên hiệp ô tô Vương quốc Anh (AA), có tới 14 quốc gia Châu Âu quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô gồm: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Hy Lạp, Bỉ, Ba Lan, Bulgaria, Belarus, Estonia, Latvia, Romania, Macedonia, Lithuania.

Cụ thể, ở Liên bang Nga, tiêu chuẩn an toàn cháy do Bộ Nội vụ Liên bang Nga ban hành năm 1997, quy định rõ: xe loại nhẹ (4 chỗ, 7 chỗ), xe tải cần trang bị bình chữa cháy băng bột hoặc bình làm lạnh có dung tích bình không dưới 2 lít.

Xe buýt (xe chở khách) siêu nhỏ cần trang bị ít nhất 1 bình 2l, xe buýt nhỏ trang bị 2 bình 2 lít, xe buýt cỡ trung và các phương tiện vận chuyển người khác phải trang bị 2 bình (1 bình 5l trong khoang hành khách, 1 bình 2l trong cabin). Xe vận chuyển xăng dầu và các chất nguy hiểm cháy nổ cần trang bị ít nhất 2 bình 5l (1 bình lắp trên khung xe, 1 bình lắp trên thùng hoặc trong khoang hàng…).

Ở châu Á, cũng không ít quốc gia ban hành quy định này, chẳng hạn như ở Ấn Độ. Để nâng cao an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông chết người, Chính phủ đang đề xuất bắt buộc trang bị bình chữa cháy cho tất cả các loại phương tiện giao thông (cá nhân và thương mại).

Thậm chí, ở các nước khác như Nam Phi và một số nước Châu Phi (Quốc đảo Mauritius, Nigeria…) cũng quy định trang bị bình chữa cháy trên xe buýt và mini buýt và nếu không trang bị sẽ bị phạt.

Cũng theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, để ban hành Thông tư 57, Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã dựa trên nhiều cơ sở thực tế và pháp lý. Cụ thể, theo thống kê, từ 2011 đến nay, cả nước xảy ra trên 600 vụ cháy nổ ô tô, xe máy.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2011 - 2012, số vụ cháy, nổ các phương tiện giao thông cơ giới tăng đột biến, gây ra hoang mang, lo ngại cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, ngày 12/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 73/TTg-KTN chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan có các giải pháp khẩn cấp để hạn chế tình trạng trên.

Bình cứu hỏa mini đang cháy hàng

Gần đây, năm 2014 - 2015 đã xảy ra 253 vụ cháy ô tô, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố điện, sự cố kỹ thuật và sơ suất, bất cẩn trong sử dụng xe. Trong đó, nhiều vụ cháy do không có bình chữa cháy để dập tắt kịp thời ngay từ khi mới phát sinh đã dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.

Việc ban hành Thông tư 57 cũng dựa trên yêu cầu thực tế. Trước đây, khi Bộ Công an chưa ban hành Thông tư 57, lực lượng Cảnh sát PCCC đã thường xuyên khuyến cáo về vấn đề này. Và, để tự bảo vệ, rất nhiều chủ phương tiện đã trang bị bình chữa cháy cho xe của mình. Hiện nay, cả nước có 2,6 triệu ô tô đang lưu hành và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ trong lĩnh vực này.

Vì vậy, việc ban hành Thông tư 57 là đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Thông tư cũng có cơ sở từ các quy định của Luật PCCC và Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Cụ thể là Khoản 1, 3 Điều 50 Luật PCCC năm 2001, quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tự trang bị phương tiện PCCC chơ cơ sở, các loại rừng, phương tiện giao thông cơ giới thuộc phạm vi quản lý của mình” và giao Bộ Công an quy định cụ thể và hướng dẫn về điều kiện và trang bị phương tiện PCCC đối với các đối tượng: Cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và phương tiện giao thông cơ giới.

Ngoài ra, khoản 1, điểm đ, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC quy định: Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải có phương tiện chữa cháy phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm của phương tiện, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.

Chia sẻ thêm, người nắm quyền cao nhất Cục cảnh sát PCCC cho biết: Mục đích của việc ban hành Thông tư là để nâng cao ý thức PCCC cho người quản lý, người sử dụng phương tiện. Đồng thời, giúp cho người sử dụng phương tiện giao thông cơ giới có phương án, phương tiện để kịp thời xử lý cháy, nổ ô tô ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, nhất là trong các tình huống khẩn cấp.

Sau khi Thông tư có hiệu lực, hầu hết cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đã bày tỏ sự đồng tình với quy định này, và cho rằng việc đầu tư không tốn kém, nên không ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Phúc Vinh

Cùng chuyên mục
XEM