CPI tháng 4 thấp nhất trong vòng 13 năm: Các chuyên gia kinh tế nói gì?
25/04/2014 08:18 AM
|
"Hãy cảnh giác với các ông lớn độc quyền. Rất có thể các doanh nghiệp xăng, dầu, điện, nước sẽ tranh thủ dịp này để bất thình lình tăng giá".
0,08% là mức tăng CPI tháng 4 mà Tổng cục thống kê vừa công bố. Theo đó, CPI 4 tháng đầu năm nhích nhẹ từ mức 4,39% trong tháng 3 lên 4,45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong một phát biểu về CPI hồi tháng 3, TS Vũ Đình Ánh từng nhận định: “Có hai xu hướng: một là trong giai đoạn 2012, các biện pháp điều hành đều hướng đến mức kìm lạm phát xuống dưới 7%, còn năm 2014 sẽ lại là cố làm sao cho nó lên đến 7%”
Hai nữa là nếu cố mà không đạt được, hay phản ứng của thị trường đi ngược lại chứ không thuận theo các biện pháp điều hành đó, thì năm nay sẽ rơi vào trạng thái như 2000, 2001 là lạm phát cả năm ở mức rất thấp.”
Theo ông Ánh, “xu hướng này có hay không thì sẽ thể hiện xu hướng quyết định ở các tháng 3,4,5. Tháng 3 CPI đã giảm sâu, nếu tháng 4 và tháng 5 mà lại CPI lại tăng âm, thậm chí tăng âm khá mạnh thì năm nay sẽ giống năm 2000, 2001 chứ không giống như năm 2009.”
Trao đổi lại với phóng viên về nhận định này khi chỉ số CPI không tăng âm mà nhích nhẹ ở mức 0,08%, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đây cũng có thể coi là một tín hiệu thị trường theo hướng ngược lại với giả thiết nói trên.
Tức là với chỉ số giá tháng 4 nhích nhẹ lên chứ không trượt xuống so với tháng 3, thì xu hướng lạm phát năm nay có khả năng sẽ không giống như thời kỳ 2000 nữa.
Ông Ánh từ chối đưa ra dự báo CPI các tháng tiếp theo vì cho rằng các con số để phân tích đánh giá thường không được chính xác. Nhất là nếu dựa vào tổng cầu để dự đoán thì càng khó, vì tuy cảm giác thị trường là sức mua thấp, nhưng con số thống kê cho thấy sức mua vẫn tăng, dù nhẹ.
Một chuyên gia kinh tế khác, TS Nguyễn Minh Phong thì dự báo trong vài tháng tới, CPI vẫn sẽ duy trì ở mức thấp tương tự.
Theo ông Phong, xu hướng này sở dĩ vẫn tiếp diễn vì đây là “thói quen” của CPI trong các năm, năm nào chỉ số của tháng 3,4,5,6 cũng thấp. Và “không phải dĩ nhiên mà Chính phủ đề ra chỉ tiêu lạm phát cả năm chỉ ở mức 7%”
Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn cho rằng, dựa vào xu hướng của CPI 4 tháng đầu năm để dự đoán con số lạm phát thực tế của năm nay là bao nhiêu vẫn là vội vàng và không chắc chắn, vì trong năm, khả năng sẽ có rất nhiều điều chỉnh chính sách vĩ mô được đưa ra và sẽ có những tác động không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng.
Thay vì đi sâu vào vấn đề xu hướng lạm phát năm nay, TS Lê Đăng Doanh vẫn tỏ ra lo ngại về sức cầu yếu.
Đặc biệt, ông đưa ra cảnh báo: “Hãy cảnh giác với các ông lớn độc quyền. Rất có thể trong bối cảnh chỉ số giá đang diễn biến thấp, các doanh nghiệp xăng, dầu, điện, nước sẽ tranh thủ thình lình tăng giá để tranh thủ dịp dư luận đang lắng dịu về giá cả.”
Hồng Anh
Theo CafeF/Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!