COP21 thông qua thỏa thuận lịch sử
Cộng đồng quốc tế nhất trí nhiệt độ Trái đất tăng tối đa +2°C, phấn đấu giảm còn +1,5°C.
19 giờ 30 ngày 12/12 (giờ địa phương), vào ngày thứ 13 và là ngày cuối cùng của hội nghị các bên về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) ở Bourget (ngoại ô thủ đô Paris), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius với tư cách chủ tịch COP21 long trọng tuyên bố: “Thỏa thuận Paris về khí hậu đã đạt được”.
Nói xong, ông rưng rưng nước mắt gõ chiếc chùy nhỏ hình chiếc lá xuống bàn. Khán phòng đồng loạt vỗ tay hoan hô.
Theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, chỉ có 8/195 nước tham dự hội nghị không tán thành thỏa thuận.
Thỏa thuận Paris về khí hậu được thông qua dưới hình thức đồng thuận chứ không bỏ phiếu và sẽ có hiệu lực từ năm 2020.
Đây là thỏa thuận lịch sử về đấu tranh chống biến đổi khí hậu của thế giới và là thỏa thuận đầu tiên trong lịch sử quản trị thế giới về môi trường.
Theo báo Le Parisien (Pháp), thỏa thuận Paris về khí hậu gồm ba điểm chính:
Ngưỡng tăng nhiệt độ tối đa +2°C: Cộng đồng quốc tế nhất trí ấn định nhiệt độ Trái đất tăng đến ngưỡng tối đa là +2°C (so với thời kỳ trước công nghiệp hóa khoảng năm 1850). Thỏa thuận Paris về khí hậu còn nêu mục tiêu tham vọng hơn là phấn đấu giảm xuống ngưỡng +1,5°C. Các đảo quốc yêu cầu con số này vì lo ngại nước biển dâng gây ngập lụt.
Trách nhiệm chung nhưng có khu biệt: Các nước phát triển sẽ phải chi 100 tỉ USD cho các nước đang phát triển để giúp các nước này đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu. 100 tỉ USD là mức sàn và sẽ được nâng lên từ năm 2025, tức năm năm sau khi thỏa thuận Paris về khí hậu dự kiến có hiệu lực.
Nếu các nước đều nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu, nỗ lực này của từng nước cũng không giống nhau. Các nước Bắc bán cầu phải đạt mục tiêu giảm khí thải với con số tuyệt đối, còn các nước đang phát triển như Ấn Độ sẽ nỗ lực giảm khí thải trong bối cảnh quốc gia riêng.
Liên quan đến vấn đề tổn thất và bồi thường, thỏa thuận Paris về khí hậu quy định rất mờ nhạt.
Thỏa thuận khẳng định cần phải ngăn ngừa và giảm đến mức tối thiểu tổn thất và bồi thường liên quan đến hậu quả của biến đổi khí hậu như các hiện tượng cực đoan (ngập lụt, lốc xoáy…) và các hiện tượng diễn biến chậm (nước biển dâng…).
Thế nhưng thỏa thuận loại trừ mọi trách nhiệm hoặc bồi thường của các nước Bắc bán cầu đối với các nước Nam bán cầu. Thỏa thuận chỉ sử dụng các từ ngữ như “thỏa thuận” hay “hỗ trợ”.
Mục tiêu dài hạn còn thấp: Theo thỏa thuận Paris về khí hậu, mỗi năm năm các nước sẽ xem xét lại thỏa thuận để ấn định các mục tiêu mới về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Về mục tiêu dài hạn trong giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thỏa thuận Paris về khí hậu ấn định trong nửa sau của thế kỷ sẽ cân bằng giữa mức phát khí thải có nguồn gốc từ con người với mức hấp thụ khí thải qua “các giếng chứa carbon” (hấp thụ trong tự nhiên với rừng, đại dương hoặc chôn khí CO 2 ).
Thỏa thuận Paris về khí hậu ghi nhận mọi quốc gia đều có thể rút khỏi thỏa thuận bất kỳ lúc nào sau ba năm kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực (tức từ năm 2023).
- Tổng Thư ký LHQBan Ki-moon: “Chúng ta có thể nhìn vào mắt con cháu chúng ta và nói chúng ta đã nối vòng tay xây dựng thế giới đáng sống hơn cho các thế hệ tương lai”.
- Tổng thống Pháp François Hollande: “Thế giới đã viết một trang lịch sử mới… Chúng ta đã chờ đợi thỏa thuận này từ hơn 40 năm…”.
Tổng thống Obama: “Vấn đề không được giải quyết bằng thỏa thuận Paris nhưng thỏa thuận Paris thiết lập khuôn khổ bền vững mà thế giới cần để giải quyết khủng hoảng khí hậu”.
55 quốc gia đại diện cho tối thiểu 55% mức phát khí thải trên toàn cầu phê chuẩn xong, lúc đó thỏa thuận Paris về khí hậu mới có hiệu lực.