Công ty tài chính cho vay lãi 80%/năm, đòi nợ như xã hội đen

29/09/2014 11:50 AM |

Tính sơ sơ, lãi suất khoản vay của chị V đã lên con số "cắt cổ" là 80%/năm. Khi không liên lạc được với chị V, nhân viên đòi nợ gọi điện liên tục cho người quen của chị.

Bị khủng bố tin nhắn đòi nợ

Ngày 27/1/2014, chị NTV (quận 10, TP.HCM) đã ký hợp đồng vay tiêu dùng với công ty TNHH Tài chính PPF Việt Nam (Home Credit) với số tiền vay là 15 triệu đồng, vay trong 12 tháng, lãi suất 6,68%/tháng. Theo hợp đồng ký kết vào ngày 27/1/2014, chị NTV cho rằng phải trả cho Home Credit số tiền 1.975.000/tháng trước ngày 27 hàng tháng. Do vậy, cứ đến ngày 23 là chị NTV nộp tiền trả.

Trước đó, chị NTV cũng đã vay của Home Credit một khoản vay ký ngày 18/9/2013. Ngày trả các khoản nợ của hợp đồng này lấy hạn là ngày ký hợp đồng và trả trước ngày 18 hàng tháng, đã tất toán xong. Do vậy, với hợp đồng vay 15 triệu lần này ký ngày 27/1/2014, chị NTV cũng hiểu là số tiền sẽ phải trả trước ngày 27 hằng tháng.

Tuy nhiên, về phía công ty Home Credit, cứ đến ngày 14 - 15 là có nhân viên gọi điện, nhắn tin cho chị NTV nhắc nhở trả nợ trước ngày 18 hàng tháng, vì cho rằng đó là ngày ghi trong hợp đồng, cũng lấy ngày của hợp đồng lần trước. Điều này khiến chị NTV rất bức xúc vì hợp đồng đã ký xong thì gần 3 tháng sau mới nhận được, và lúc ký chị cũng nghĩ nội dung hợp đồng như lần trước nên không đọc kỹ. Chị NTV cho rằng: “Nhân viên công ty Home Credit hành xử hơi giống... xã hội đen, khi không liên lạc được với chị NTV thì gọi điện liên tục cho người quen và gọi về nhà. Thậm chí họ còn đòi xin số điện thoại của chồng và con chị làm chị rất xấu hổ”.

Hợp đồng ký 12 tháng, đến nay chị NTV đã trả được 8 kỳ hạn nợ nhưng vẫn bị công ty nhắn tin nhắc nhở trả nợ khi chưa đến ngày trả. Chị cho biết, cũng đã 3 - 4 lần đến thẳng công ty Home Credit yêu cầu gặp lãnh đạo mà không gặp được.

Hiện nay, với việc vay tiêu dùng từ các công ty Tài chính, khách hàng còn phải mua bảo hiểm cho khoản vay. Ở đây, chị NTV đã phải mua Bảo hiểm bảo an cho khoản vay của mình trị giá 935.000 đồng. Với số tiền phải trả mỗi tháng là 1.975.000 đồng thì tổng số tiền chị phải trả cho khoản vay 15 triệu sau 12 tháng là 24.635.000 đồng (gồm cả khoản bảo hiểm khoản vay). Như vậy, tính sơ sơ, lãi suất của khoản vay của chị V đã lên con số "cắt cổ" là 80%/năm. Trong khi đó, mức lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng hiện nay cao nhất đối với vay tín chấp bằng thẻ tín dụng cũng chỉ 25 - 30%/năm, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.

Đọc kỹ trước khi ký

Hiện cho vay tiêu dùng đang là thế mạnh của các công ty Tài chính với thủ tục nhanh, gọn, đơn giản, chỉ cần khách hàng có thu nhập, hộ khẩu, chứng minh nhân dân là có thể ký hợp đồng vay vốn. Đối với các khoản vay tiêu dùng thường là những khoản vay nhỏ, vài chục triệu đồng nên mức tiền phải trả theo tháng chỉ 1,5 - 3 triệu đồng. Điều đó khiến cho người vay thấy có thể trả được là đặt bút ký vay.

Tuy nhiên, vay tiêu dùng là khoản vay tín chấp khiến mức lãi suất vay được tính ở mức cao nhất tại các ngân hàng. Đặc biệt với các công ty tài chính, mức lãi suất lên cao ngất ngưởng khiến nhiều người khi vay xong mới té ngửa.

Với lãi suất cho vay rất cao, 20 - 65%/năm, ông Igor Prerovsky, Tổng giám đốc của Home Credit, cho biết mức lãi suất đó tùy thuộc vào khoản vay của khách hàng, mức tiền vay, khoản trả nợ hằng kỳ và uy tín đã vay vốn trước đó của khách hàng. Tất nhiên khi khách hàng đã vay tiền thì phải chấp nhận trả lãi. Nhưng mức lãi suất quá cao kèm theo điều kiện phải mua bảo hiểm cho khoản vay của các công ty Tài chính khiến khách hàng ngỡ ngàng. Không những vậy, khi đến kỳ hạn trả nợ thì khách hàng lại còn bị nhắn tin khủng bố đòi nợ từ một công ty đòi nợ thuê khiến khách hàng rất hoảng hốt.

Theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, nhiều người khi vay tiêu dùng rất sơ ý là không thèm đọc kỹ hợp đồng vay. Thường họ chỉ hỏi lãi suất, hỏi nhân viên tư vấn là tính ra mỗi tháng phải trả bao nhiêu, nếu thấy khả năng có thể trả được là họ đặt bút ký. Nhưng khi vay tiền mua hàng xong, về nhà tính ra thấy tổng số tiền phải trả so với số tiền vay gốc chênh nhau rất lớn họ mới tá hỏa. Bên cạnh đó, nhiều người còn nhầm lẫn việc trả tiền mua bảo hiểm khoản vay với bảo hiểm cho mình. Hóa ra tiền mình trả nhưng lại là bảo hiểm cho công ty cho vay.

“Nhưng vấn đề ở đây là nhiều khách hàng phản ánh việc bị nhắn tin đòi nợ như kiểu xã hội đen, việc người tiêu vay sơ suất quên ngày trả nợ là có. Tôi cho rằng có thể do công ty Tài chính thuê một công ty đòi nợ bên ngoài để đòi nợ khách hàng giúp mình, cũng có thể ông Tổng giám đốc Home Credit không biết về việc này”, bà Phan Thị Việt Thu cho biết thêm.

Một điều đáng chú ý Hợp đồng của các lĩnh vực công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng đều là tự soạn, không theo một mẫu biểu quy định nào. Điều này khiến các bên cho vay soạn những điều kiện có lợi cho mình nhất.

Sắp tới các khoản vay tiêu dùng của các ngân hàng sẽ được thực hiện thông qua các công ty Tài chính là công ty con của ngân hàng. Như vậy, cho vay tiêu dùng sẽ bị siết vì bị tính là các khoản vay phi tiêu chuẩn.

>> Bao vây trụ sở đòi nợ cán bộ ngân hàng

Theo Linh Lan

Cùng chuyên mục
XEM