Cộng đồng ASEAN có như quảng bá không?
Cộng đồng ASEAN, không chỉ là màu hồng. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa nhận có những thử thách to lớn kèm theo khi tham gia cộng đồng này...
Phát biểu tại hội thảo “Cộng đồng ASEAN và chương trình hành động của Việt Nam” do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 11-12, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Cộng đồng các nước ASEAN sẽ giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng được thị trường hàng hóa và dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, định vị đất nước vào vị trí tối ưu trong chuỗi sản xuất và phân phối ở khu vực và toàn cầu...
Tuy nhiên, ông Phạm Bình Minh cũng thừa nhận có những thử thách to lớn kèm theo khi tham gia cộng đồng này, trong khi Việt Nam đã chậm cả về nhận thức lẫn hành động cụ thể.
Theo điều tra mới đây của một số học giả trong nước và của Ban thư ký ASEAN, nhận thức về Cộng đồng ASEAN, về cơ hội và thách thức từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN của doanh nhân, sinh viên và người dân Việt Nam nói chung ở mức thấp, nhất là so với các nước Singapore, Thái Lan và Malaysia.
“Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đây là lúc xây dựng các chương trình cụ thể để nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương và toàn dân về Cộng đồng ASEAN, nhất là hoàn chỉnh chương trình hành động cụ thể để biến Cộng đồng ASEAN thành hiện thực ở Việt Nam. Chúng ta cần nhận thức rõ là Việt Nam phải xắn tay vào thực hiện Cộng đồng ASEAN ở Việt Nam theo tinh thần tích cực chủ động nhất”, ông Phạm Bình Minh bày tỏ quan điểm.
Cũng tại hội thảo, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng thừa nhận người dân chưa cảm nhận rõ hơi thở của Cộng đồng ASEAN và phải thời gian lâu lắm mới để người dân “giác ngộ” được.
“Dù chúng ta đang hồ hởi chuẩn bị tất cả nguồn lực để hội nhập, gia nhập cộng đồng nhưng tôi nhận thấy tất cả tồn tại, khó khăn cản trở của việc hội nhập ASEAN hiện nay cơ bản vẫn còn nguyên” - ông Phụng nói. Theo ông Phụng, Chính phủ nên ưu tiên nguồn lực để xây dựng chương trình hành động phát triển kinh tế trong ASEAN.
“Trong điều kiện nguồn lực hạn chế hiện nay, những cái gì có lợi thì làm, không có lợi thì không làm” - ông Phụng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi ngược: “Cộng đồng ASEAN có sức mạnh như mong muốn và như đã quảng bá hay không? Và giữa AEC và TPP, cái nào có lợi cho Việt Nam hơn? Tôi nghĩ nhiều người sẽ chọn TPP”.
Theo bà Chi Lan, thách thức lớn nhất chính là Cộng đồng ASEAN chưa đủ nhận thức để hình thành một cộng đồng kinh tế phụ thuộc lẫn nhau. “Tôi nghĩ khó có nước ASEAN nào thật sự chọn AEC làm ưu tiên hội nhập. Sự hấp dẫn của Trung Quốc, EU và Mỹ lớn hơn rất nhiều so với sức hấp dẫn mà nội bộ ASEAN tạo cho nhau.
Rất khó xảy ra trường hợp lợi ích chung của cộng đồng đặt trên lợi ích riêng của từng nước” - bà Chi Lan nói, đồng thời đề nghị “phải làm tập trung và sâu hơn, nghiêm túc hơn để làm thế nào có chương trình hành động hợp lý”.
Chỉ 40% doanh nghiệp hiểu đầy đủ về AEC
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, chỉ khoảng 40% doanh nghiệp hiểu một cách đầy đủ về những tác động của AEC đối với công việc kinh doanh của họ, một tỉ lệ khá thấp so với các quốc gia ASEAN khác.