Có lợi ích nhóm trong thị trường dầu thô thế giới?
28/07/2014 14:27 PM
|
Thực sự OPEC lớn đến đâu? Các động thái của OPEC ảnh hưởng thế nào đến giá dầu thế giới? Và liệu có hay không "lợi ích nhóm" trong thị trường dầu mỏ thế giới?
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là một tổ chức đa chính phủ được thành lập bởi các nước Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Saudi và Venezuela trong hội nghị tại Bagdad năm 1960. Các thành viên khác bao gồm Qatar (1961), Libya (1962), Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (1967), Algérie (1969), Nigeria (1971), Angola (2007) và Ecuador (1973-1993, tái gia nhập vào năm 2007) lần lượt gia nhập tổ chức sau đó. Gabon (1975–1994) và Indonesia (1962 - 2008) cũng từng là thành viên của OPEC.
Là một tổ chức có vị thế lớn ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung cũng như an ninh năng lượng toàn cầu nói riêng, thế nhưng thực sự vị thế của OPEC lớn đến đâu? Các động thái của tổ chức này ảnh hưởng thế nào đến giá dầu thế giới? Liệu có "lợi ích nhóm" trong thị trường dầu mỏ thế giới không?
Chiếm 60% lượng xuất khẩu dầu mỏ thế giới
Chúng ta sẽ bắt đầu với lược đồ giao thương dầu mỏ thế giới:
Ta có thể thấy, trong số gần 40 triệu thùng dầu/ngày chảy đi toàn thế giới, phần lớn đều bắt nguồn từ 4 khu vực xuất khẩu dầu mỏ chính: Khối Xô-Viết cũ, Mỹ La Tinh, Châu Phi và Trung đông. Thật là trùng hợp khi trong số 12 nước thành viên OPEC, có 4 nước ở châu Phi, 6 nước ở Trung Đông, và 2 nước ở Mỹ La-tinh. Biểu đồ sau sẽ làm rõ hơn điều này:
Rất ấn tượng: Khối OPEC chiếm tới hơn 60% trong cơ cấu xuất khẩu dầu mỏ toàn cầu, tương đương với hơn 24 triệu thùng dầu/ngày, trong đó Ả Rập Saudi chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 19%, theo sau là Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (6.78%) và Iraq (6%).
Chiếm 80% dự trữ dầu mỏ thế giới
Tương lai không ai biết trước, và các dự báo cũng có thể sai lệch. Do đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ luôn dự trữ một lượng dầu lớn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cũng như để kịp thời phản ứng trước các thay đổi bất ngờ của thị trường. Và nói về dự trữ dầu mỏ thì không thể không nói tới OPEC. Hãy quan sát biểu đồ Cơ cấu dự trữ dầu mỏ thế giới:
Ấn tượng hơn: Khối OPEC chiếm tới 80,96% lượng dự trữ dầu mỏ thế giới, tương đương khoảng 1.206 tỉ thùng dầu. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới chỉ dự trữ hơn 280 tỷ thùng dầu, chiếm tỷ trọng hơn 19% dự trữ toàn cầu.
Ảnh hưởng lớn đến giá dầu thế giới
Chính vì chiếm tới hơn 60% cơ cấu xuất khẩu dầu, chiếm 80% dự trữ dầu mỏ thế giới, sản lượng dầu thô của OPEC là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá dầu. Trong lịch sử, giá dầu thô thực sự đã tăng trong khoảng thời gian OPEC đặt mục tiêu sản xuất ở mức thấp.
Thậm chí người ta còn sử dụng sản lượng sản xuất dầu thô của Ả Rập Saudi, nước sản xuất lớn nhất của OPEC, làm một "chỉ báo" cho giá dầu, và có vẻ nó khá chính xác:
Qua hình trên, ta thấy rõ thị trường phản ứng gần như ngay lập tức với các dự báo thay đổi cung cầu: Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) gần như tăng-giảm đồng thời với các thay đổi trong sản lượng của Ả Rập Saudi.
Lợi ích nhóm
Mặc dù mục tiêu chính thức của OPEC là "Ổn định thị trường dầu thô", nhưng thật ra nhiều biện pháp được đề ra lại có động cơ bắt nguồn từ quyền lợi quốc gia, ví dụ như trong các cơn khủng hoảng dầu, OPEC chẳng những đã không tìm cách hạ giá dầu mà lại duy trì chính sách giữ giá cao trong thời gian dài:
- 1973 - Khủng hoảng dầu lần I (Arab oil embargo): Năm 1973, trong khi đang khai thác 55% lượng dầu của thế giới, OPEC công bố lệnh đình chỉ hoạt động dầu mỏ toàn khối. Trong suốt thời gian OPEC đình chỉ hoạt động (kết thúc vào tháng 3 năm 1974), giá dầu đã tăng từ 2,89 USD một thùng lên 11,65 USD/thùng.
- 1974 đến 1978: tăng giá dầu 5-10% hầu như mỗi nửa năm một lần để chống lại việc USD bị lạm phát.
- 1979 - Khủng hoảng dầu lần II: Sau cuộc cách mạng Hồi giáo, các hoạt động khai thác dầu mỏ ở Iran gần như dừng lại hoàn toàn. Các nước thành viên OPEC đồng loạt đòi tăng giá bán dầu từ 15.5 USD/thùng lên 24 USD/thùng. Libya, Algérie và Iraq thậm chí đòi đến 30 USD cho một thùng.
- 1980: Đỉnh điểm chính sách cao giá của OPEC. Lybia đòi 41 USD, Ả Rập Saudi đòi 32 USD và các nước thành viên còn lại đòi 36 USD cho một thùng dầu.
Hãy quan sát giá dầu trước và sau hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ để thấy sự tăng giá kinh khủng mà đều bắt nguồn từ các chính sách của OPEC:
Nhìn vào lịch sử, người ta cho rằng mục tiêu của OPEC thật ra là một chính sách điều hành sản xuất dầu chung nhằm giữ giá, theo đó OPEC dựa vào việc phân bổ hạn ngạch cho các thành viên để điều chỉnh lượng khai thác dầu, tạo ra khan hiếm hoặc dư dầu ảo và thông qua đó có thể tăng, giảm hoặc giữ giá dầu ổn định.
Như vậy, có thể coi OPEC như là một liên minh độc quyền luôn tìm cách giữ giá dầu ở mức có lợi nhất cho các thành viên. Điều này, nếu ở Việt Nam sẽ được gọi là "Lợi ích nhóm", một cụm từ không hề xa lạ.
Theo Cafef/Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!