Cổ đông chiến lược của Thăng Long GTC là một công ty liên quan đến chủ tịch Seabank
Thăng Long GTC cùng với BRG Group của bà Nguyễn Thị Nga là những cổ đông chính của khách sạn Hilton Opera Hanoi.
Ngày 13/08/2015 tới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu 33,2 triệu cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên Thăng Long GTC với giá khởi điểm là 10.600 đồng/cổ phần. Đây là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội – Hanoitourist và là một trong số các doanh nghiệp lớn trên thị trường kinh doanh du lịch khách sạn ở Hà Nội với hệ thống khách sạn lâu đời.
Theo bản công bố thông tin, công ty Thăng Long GTC có vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa 1.228 tỷ đồng - được giữ không thay đổi cho đến năm 2018. Lượng đấu giá công khai ra công chúng tương đương 27,6% vốn điều lệ dự kiến.
Cổ đông chiến lược – một gương mặt quen thuộc
Theo phương án cổ phần hóa, cơ cấu cổ đông của Thăng Long GTC bao gồm 45% thuộc về nhà nước, 27% thuộc về cổ đông chiến lược và 27,6% được đấu giá công khai.
Sau khi đấu giá công khai, công ty sẽ thực hiện bán 33,2 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Giá bán do Ban chỉ đạo cổ phần hóa thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai. Và theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, nhà đầu tư chiến lược của Thăng Long GTC là Công ty TNHH Thung lũng Vua.
Công ty TNHH Thung lũng Vua là chủ đầu tư của sân golf Kings’ Island Golf Resort tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Doanh nghiệp này là một trong nhiều đơn vị thành viên trực thuộc hệ thống BRG Group cùng với Doson Seaside Golf Resort, Legend Hill Golf Resort, Hilton Opera Hanoi...
Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch của ngân hàng Seabank cũng đồng thời là chủ tịch của BRG Group.
Tài sản phần lớn là đầu tư tài chính dài hạn
Theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và vốn Nhà nước, giá trị Doanh nghiệp theo sổ sách kế toán là 878,2 tỷ đồng; giá trị doanh nghiệp xác định lại là 1.372,6 tỷ trong đó giá trị vốn nhà nước theo sổ sách là 733 tỷ và giá trị vốn nhà nước xác định lại là 1.227 tỷ
Giá trị xác định lại cao hơn so với giá trị sổ sách chủ yếu là do các khoản đầu tư tài chính dài hạn được định giá tăng thêm 432,6 tỷ. Đó là khoản đầu tư vào 6 công ty liên doanh và 2 công ty cổ phần. Đây cũng là khoản chiếm hơn một nửa tổng tài sản của Thăng Long GTC.
Việc góp vốn đầu tư vào các công ty liên doanh này đều bằng quyền sử dụng đất tại các địa điểm kinh doanh của các công ty.
Tuy nhiên, theo bản công bố thông tin của công ty, Thăng Long GTC thường chiếm tỷ lệ vốn tối thiểu (5-35%) trong các công ty liên doanh, liên kết nên không có quyền điều hành và chi phối các doanh nghiệp này.
Có những liên doanh vốn lớn nhưng gánh những khoản lỗ và nợ rất lớn như Công ty TNHH Làng Nghi Tàm (Khách sạn Intercontinental Westlake Hà Nội), Công ty TNHH Liên doanh Đại chân trời…
Có 2 công ty liên doanh nước ngoài đang trong giai đoạn triển khai và chờ đợi khởi sắc của thị trường như Công ty TNHH Parcific Thăng Long và Công ty TNHH Thăng Long Property.
Dù vậy, trong 3 năm từ 2012 – 2014, tổng doanh thu của Thăng Long GTC (bao gồm cả doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính, doanh thu tài chính và doanh thu khác) có sự tăng trưởng thấp nhưng đều đặn. Chiếm một nửa trong đó là doanh thu từ hoạt động bán hàng nhưng đầu tư tài chính mới là phần đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của công ty.
Một điểm đáng chú ý trong các chỉ tiêu tài chính của Thăng Long GTC là chi phí bán hàng tăng mạnh qua các năm do chi phí tiền thuê đất của các địa điểm kinh doanh tăng. Dù vậy, lợi nhuận của công ty đã tăng mạnh trong năm 2014 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng đều đặn sau khi IPO.