Chuyện xây nhà hát ngược đời chỉ có Việt Nam

23/01/2013 14:53 PM |

Một nhà hát, một rạp của chúng ta trở thành nơi vừa cho thuê hội thảo, hội nghị, cả đám cưới lẫn biểu diễn nghệ thuật...


Liên quan đến đề án lên tới 10.800 tỉ đồng để xây dựng và nâng cấp các công trình văn hóa, tiếp tục mạch bài, Vietnamnet có cuộc trao đổi với NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát nhạc nhẹ Việt Nam.

Hôm nay hội thảo micro, ngày mai múa hát, múa rối

Liên quan đến quyết định số 88/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt Đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020), lên đến 10.800 tỉ đồng đang gây chú ý dư luận. Ông nói gì về đề án xây mới các nhà hát? Theo ông, có cần thiết hay không?

- Đây là điều mong mỏi của các nghệ sĩ trên toàn quốc. Hiện nay ở trung ương có 12 đơn vị nghệ thuật lớn còn lại của các tỉnh, lực lượng vũ trang... Các đơn vị nghệ thuật hầu hết chỉ có trụ sở làm việc cực kỳ khiêm tốn còn rạp (nôm na gọi là nhà hát) thì không có chỗ biểu diễn.

Các nước trên thế giới mỗi Nhà hát đều có một nhà hát riêng. Ở đó, có phòng hóa trang riêng, phòng tập luyện, biểu diễn... và họ cực kỳ chủ động công việc. Những lúc không hoạt động đi biểu diễn những nơi khác hoặc dã ngoại chẳng hạn thì có kế hoạch dùng địa điểm đấy cho đơn vị khác thuê hoặc sử dụng.

Thế giới làm mô hình như thế nhưng ở Việt Nam thì có hiện tượng hơi ngược đời. Một nhà hát, một rạp của chúng ta trở thành nơi vừa cho thuê hội thảo, hội nghị, cả đám cưới lẫn biểu diễn nghệ thuật... Và thực tế chúng ta vẫn còn thiếu những rạp, nhà hát đúng nghĩa phục vụ các chương trình văn hóa nghệ thuật.

Chủ trương xây 51 nhà hát, tôi nghĩ đáng hoan nghênh và cần thiết. Chỉ có điều nên chọn ra các nhà hát quốc gia có chất lượng mà chưa có rạp thì xây ngay cho họ. Ví dụ Nhà hát Tuổi trẻ, bao năm rồi tại sao ở trong ngõ mà dân đi vào không có chỗ gửi xe, có mấy trăm chỗ ngồi hay Nhà hát Kịch Việt Nam làm gì có rạp biểu diễn.

Hay như bên tôi là Nhà hát nhạc nhẹ Việt Nam cũng chưa có trung tâm biểu diễn. Thực ra chúng tôi cứ đăng ký ở Nhà hát Lớn nhưng nhiều khi nhạc trẻ mà cứ biểu diễn ở đó thì cũng không phù hợp lắm.

NSND Trần Bình và nhạc sĩ Thanh Tùng.

Còn vấn đề con người quan trọng như thế nào, thưa ông?

-  Lãng phí nhất của chúng ta là mỗi nhà hát lại thành lập một ban quản lý mà đôi khi họ không am tường công việc liên quan đến hoạt động nghệ thuật. Do đó những đơn vị nghệ thuật vẫn không có rạp để biểu diễn là vì thế.

Thực tế nhiều nhà hát không chủ động kế hoạch trong vòng một năm. Đôi khi rơi vào tình trạng "ăn đong", như Nhà hát của chúng tôi đã ký hợp đồng với Nhà hát Lớn đến năm 2014 nhưng vẫn thấp thỏm bởi ví dụ có một đơn vị nghệ thuật khác nhảy vào trả tiền nhiều hơn thì mình vẫn không chủ động kế hoạch được.

Tôi nói ngay như Nhà hát Lớn mấy hôm vừa rồi là chơi, không làm gì cả. Người ta định đăng ký rồi lại không đăng ký, cả hai bên cùng bị động trong kế hoạch. Giống như là một anh cho thuê bến bãi, cho thuê kho tàng cứ ngồi ngóng xem có ai đến thuê không, còn bên thuê đến nhưng không đáp ứng yêu cầu thì chịu.

Ví dụ một chương trình nghệ thuật cần 3 ngày để chuẩn bị. Ban lãnh đạo nhà hát chỉ cho người ta vào từ lúc 11h đêm cho đến sáng hôm sau thì làm sau mà chuẩn bị được. Cả hai bên đều đẩy nhau vào trường hợp bị động về kế hoạch chưa nói đến việc sẽ làm được cái gì cho ra hồn.

Mỗi một loại hình nghệ thuật phải học, phải làm việc với nó. Trong khi đại đa số nhà hát, rạp hát của chúng ta chỉ là nơi cho thuê đến khi các loại hình nghệ thuật vào thuê biểu diễn thì họ bị ngỡ ngàng. Một nơi chỉ quản lý thì hôm nay hội thảo micro nói chuyện, ngày mai múa, hát, múa rối... dễ bị lúng túng.

Tiền ít, đã nghèo nhưng không tính toán

Thực tế có một số nhà hát, trung tâm được xây dựng lên với số tiền "khủng" nhưng chỉ được cái vỏ còn việc vận hành thì lại không hiệu quả. Đây có thể xem là bài học xương máu để chúng ta rút ra trước khi quyết định 88 được phê duyệt và thực thi?

- Bạn nói đúng. Chúng ta đã có những bài học. Ví dụ Trung tâm văn hóa ở Bắc Ninh xây dựng rất hoành tráng nhưng gần đây chúng tôi có dịp tới đây xem thấy có một nghịch lý rất buồn cười là ngồi 5 hàng ghế đầu chỉ thấy từ đầu gối nghệ sĩ trở lên.

Chiều sâu sân khấu nông choẹt chỉ bằng 2/3 chiều ngang. Thế thì hỏng rồi. Ở nước ngoài chiều sâu sân khấu thậm chí gấp đôi chiều ngang, để họ chuyển cảnh, hệ thống ánh sáng tạo ra không gian tốt nhất. Mình mới xây một trung tâm ở Bắc Ninh mà cũng bị hỏng.

Ngay như TT Hội nghị quốc gia Mỹ Đình cũng vậy. Một tòa nhà xây dựng tốn kém như thế thì tại sao chúng ta lại không nghĩ tới việc nó thích hợp với cả hội nghị và biểu diễn nghệ thuật. Đáng tiếc, sân khấu của TT Hội nghị quốc gia lại không thích hợp lắm với biểu diễn nghệ thuật mà hiện nay thu tiền chủ yếu từ biểu diễn nghệ thuật.

Tôi nói nó không thích hợp biểu diễn là bởi nó nông và không có cánh gà vì chỉ định dùng cho hội nghị mà. Thứ hai là toàn bộ chuyển cảnh, đưa lên hạ xuống của người ta ở phía sau hoặc bên cạnh sân khấu còn TT Hội nghị quốc gia lại phía trước sân khấu. Toàn bộ hệ thống đấy sau khi giải tán hết người ta mới hạ xuống chuyển đồ.

Chúng ta tiền ít, đã nghèo nhưng không tính toán. Đáng lẽ một trung tâm như thế, đất rộng mênh mông, đầu tư tốn kém phải thích hợp hội nghị, hội thảo và chương trình biểu diễn. Ví dụ Hàn Quốc xây một trung trên hòn đảo để phục vụ APEC. Làm xong, họ bán luôn cho một tư nhân để tổ chức biểu diễn.

Những gợi ý của ông xung quanh đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020), lên đến 10.800 tỉ đồng?

- Phải nói rằng chủ trương xây 51 nhà hát là đáng mừng. Chứng tỏ chính phủ nghĩ đến đời sống văn hóa cho xã hội nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng. Xây một nhà hát chúng ta phải bỏ ít nhất 300 - 400 tỉ. Theo tôi muốn khả thi, có công năng sử dụng đúng không lãng phí thì nên có những hội thảo, gặp gỡ lấy ý kiến phản hồi từ nhiều thành phần như những người quản lý nhà hát, người biểu diễn, người sẽ thuê nhà hát để làm hội thảo, biểu diễn...

Lâu nay chúng ta xây một nhà hát tư tưởng đôi khi vẫn là ban ơn kiểu như tôi xây cho ông như vậy là chìa khóa trao tay và không được tham gia gì cả. Thế nhưng lại không biết hiệu quả của nó thế nào? Âm thanh làm sao mới hay? Làm thế nào để ngồi ở các góc cũng có thể nhìn lên sân khấu thưởng thức một cách trọn vẹn mà không bị vướng?... Cái đó là chuyên ngành biểu diễn mà điều đó chúng ta còn bị thiếu, đôi khi xây dựng chỉ biết xây dựng thôi.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Sơn Hà
Ảnh: Mạnh Thắng
vietnamnet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM